Tôi rất tâm đắc với loạt bài về "người nghiện cờ bạc" do VnExpress khởi xướng từ hai ngày nay. Mở đầu là bài: "Tôi có nên ngăn bố mẹ bán ruộng trả nợ cờ bạc 200 triệu đồng cho em trai?" của bạn Dương Quốc Dũng.
Tôi rất hiểu và thông cảm với bạn rằng, khi đã phải gửi gắm tâm sự của mình đến đông đảo bạn đọc như thế này, người trong cuộc đang ở trạng thái vô cùng bức xúc kèm theo sự bất lực trước một vấn đề to lớn của gia đình buộc bạn phải giải quyết.
Từ gần 70 lời góp ý cho "lời cầu cứu" của bạn, tôi thấy đa số bạn đọc rất sáng suốt tỉnh táo trước vấn nạn này.
(Xem thêm: Không nên mở sòng bạc tại Việt Nam)
Tiếp theo là bài "Người nợ cờ bạc 200 triệu đồng không thể cảm hoá bằng tình cảm" của tác giả Nguyễn Hoàng Duy. Tiêu đề bài này không thể thay thế bằng một tiêu đề nào khác vì nó chuẩn xác như thể tác giả viết từ chính nỗi lòng mình vậy. Những quan điểm của bạn đọc dưới bài viết đó cũng thật rõ ràng đối với "con nghiện".
Sở dĩ tôi dám kết luận như thế là bởi vì bạn đọc hãy hình dung một vụ việc có thật sau đây:
Trong một gia đình nọ ở ngoại ô Hà Nội có một người đàn ông sắp bước sang tuổi 34, hiện đang nợ khoảng hai tỷ đồng vì cờ bạc, phải sống chui lủi vì lo sợ cho tính mạng. Mất tất cả. Vợ con ly tán. Mùa Tết thứ 4 sẽ hương lạnh khói tàn. Người thân, họ hàng nghi kị lẫn nhau…Ông ấy mắc vào kiếp nạn này lúc còn là một nam sinh bậc THPT.
Gia đình đã dành hơn mười năm trời, dùng đủ biện pháp vưà giúp đỡ, vừa giáo dục, chỉ mong ông ấy nên người:
1/ Chu cấp tiền cho anh ấy theo học hai trường cao đẳng ở Hà Nội lúc còn trẻ (bị đuổi cả hai vì cờ bạc).
2/ Tạo chỗ ăn ở tại Hà nội lúc anh ấy là sinh viên cao đẳng (vẫn tiếp tục cờ bạc).
3/ Đào tạo qua thực tế cho anh ấy trở thành người quản lý điều hành (anh ấy biển thủ tiền cuả người giúp mình).
4/ Kiến thiết nơi sản xuất đậu phụ, chăn nuôi, hệ thống cấp khí đốt khép kín, xây nhà kinh doanh rộng cỡ 150 m2 để anh ấy trở lại quê có công ăn việc làm. Chuẩn bị kế hoạch cho các thế hệ kế cận trong tương lai rất xa…
Quả thực, sau khi bị đuổi học, trở về, anh ấy đã lấy vợ, có con, chớm biết làm ăn. Ai cũng vừa mừng vừa lo. Khách vào thăm cũng thấy toát lên một cơ ngơi gồm nhà ở lợp ngói, sân mới, bếp mới với 6 công năng (ngoài nơi sản xuất, chăn nuôi, hầm khí biogas còn có toa-lét, vòi nước nóng lạnh…).
Tết cổ truyền năm 2013 có đào, quất… Cũng cần nhắc tới hàng trăm bức thư trao đổi, khuyên nhủ, hướng dẫn cách sống và một bức tâm thư dài gần 10 trang, viết trong 10 năm, khai bút lúc anh ấy còn sa lầy khá sâu, hiện đang còn được viết tiếp.
Thực ra cuộc sống đòi hỏi ta phải sống có tình, có lý. Phần lý (kèm chút tình) của câu chuyện như sau:
Trong cơn say cờ bạc thời quá khứ, anh ấy đã trộm được cuốn sổ đỏ do người mẹ goá đứng tên, mang đi cầm cố chỗ người cho vay nặng lãi. Gia đình lại phải "tạm ứng" 120 triệu đồng để chuộc lại. Vì quá bất lực mà người mẹ (cùng những thành viên khác trong gia đình anh ấy) đã ký cam kết, sang tên, nhượng quyền sử dụng và quyền sở hữu toàn bộ cơ ngơi sang cho một người khác của gia đình có đầy đủ quyền lợi với cơ ngơi rộng hơn 300 m2 đó. Anh ấy cũng tình nguyện ký cả hai loại giấy tờ kia. Con đường vạch ra rất có thứ tự và bài bản. Cứ thế mà đi…
Khi mọi sự tưởng đã bình yên người nghiện tưởng như đã hoàn lương, tự anh ấy cũng đã thốt lên rằng: Ở Việt Nam, không nơi nào có được lời giải thứ hai đẹp giống thế! Vậy mà ngưạ lại theo đường cũ, để rồi đang bị vỡ nợ.
Đến đây thì mọi lòng trắc ẩn, sự tử tế và chữ nhẫn nào cũng đều bị thách thức. Tình cảm còn nhưng chừng mực.
Do sự cương quyết của người đứng tên sổ đỏ mới mà hiện thời anh ấy đang được tự do định đoạt lấy số phận cuả mình: Hoặc anh ấy cứ đi hết xem, cuối con đường cờ bạc còn có những gì hoặc phải tự mình giải quyết lấy vấn đề do mình đã gây nên. Dù gì, anh ấy vẫn được gợi ý là, giờ phải làm gì và làm như thế nào để thoát nạn.
Hiện tại, lúc tôi đang hạ bút viết các dòng này thì người đàn ông kia đã chuyển từ trạng thái tâm lý hàm ơn sang trạng thái người hung hãn. Nói cách khác, người giúp đỡ ông ấy đã từng được nựng thơm, tâng bốc lên chín tầng mây, nay đang bị kết án là "kẻ tội đồ" với những lời lẽ lăng mạ trắng trợn, kể cả bị đe doạ về tính mạng.
(Xem thêm: 'Người nợ cờ bạc 200 triệu đồng không thể cảm hóa bằng tình cảm')
Ở đời, nói là một chuyện, làm là chuyện khác, làm được hay không lại là chuyện khác nữa.
Vài nét tâm lý tôi rút ra được khi quan sát người nghiện cờ bạc (họ thuộc đủ mọi giai tầng xã hội):
1/ Trong sâu thẳm "con nghiện" vẫn là một con người nhưng đây là người rất yếu về nhân cách.
2/ Người nghiện cờ bạc luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho người khác để biện minh cho hành vi của mình.
3/ Người nghiện cờ bạc không coi trọng các chuẩn mực xã hội, không phân biệt được điều trái, lẽ phải.
4/ Người nghiện cờ bạc không biết giữ nhân phẩm, tức là đánh mất hết các đức tính cần phải có như: trách nhiệm cá nhân, chăm chỉ lao động, kỷ luật sống, giữ giá trị cuả chữ tín, giữ danh dự cho bản thân và gia đình.
5/ Vì yếu nhân cách không làm chủ được bản thân lại thêm tính sĩ diện hão, hiếu thắng, thích chém gió, thích phô trương, luôn muốn tỏ ra ta tài giỏi hơn người cho nên người nghiện cờ bạc mới bị chủ xới cho "sa bẫy".
6/ Khi đã trở nên "nghiện" con nghiện hiển nhiên đã trở thành con bệnh với vùng não đã bị "lập trình khác đi" rồi.
(Xem thêm: Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố trả nợ lần cuối dùm mẹ trước đám đông)
Thực ra, các thành viên khác trong gia đình, nếu thực sự phải quan tâm giải quyết mối hoạ này, đều là những người một lúc phải chiến đấu trên hai mặt trận: Thứ nhất là phải có mẹo lui một bước, chịu tốn kém để tìm ra biện pháp đưa con nghiện vào thế buộc anh/chị ta phải tự chịu trách nhiệm, tự giải quyết lấy hậu quả do mình gây nên.
Thứ hai là họ phải âm thầm chiến đấu chống lại cả một thế lực ngầm đã liên kết thành một chuỗi cộng sinh. Thế lực này bao gồm: chủ xới bạc + người cho vay nặng lãi + băng xã hội đen.
Xin thực lòng chia sẻ ý nghĩ của rất nhiều người ủng hộ bạn Dũng và bạn Duy, đặc biệt xin chia xẻ ý kiến với người có nickname "Già Làng" (bình luận thứ ba dưới bài cuả bạn Dũng). Nguyên văn: "Trong vụ này, ngoài bố, mẹ và anh em còn có bọn chủ xới theo dõi và hành động. Một tia mềm yếu, chúng nó cũng không tha đâu".
Đề xuất của người viết: một là nhà nước nên phát động chiến dịch chống cờ bạc tương tự chính phủ Mỹ đã làm với chiến dịch chống sản xuất, buôn bán rượu vào năm 1920 trên toàn nước Mỹ. Chiến dịch đó đã thành công.
Hai là các gia đình nạn nhân của trò cờ bạc hãy liên kết nhau lại thành một hội, cùng tìm biện pháp xoá tệ nạn này. Nên gây quỹ, sao cho hội hoạt động minh bạch, hiệu quả, trong đó có việc cứu vớt con em của người nghiện.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.