Xem xong một chương trình truyền hình, bạn tôi nằm trằn trọc, cảm động về hình ảnh người phụ nữ gầy gò chưa có tiền phẫu thuật tiếp. Nhiều thì khó chứ dăm bảy triệu đồng thì bạn tôi cũng ráng hỗ trợ được. Khi trời vừa sáng, bạn tôi tìm đến địa chỉ gia đình đó. Cánh cửa khép hờ mà không có ai trong nhà, đi hỏi loanh quanh một hồi bạn tôi được người dân dẫn đến nơi người bệnh đang có mặt.
Đẩy cửa vào, bạn tôi vô cùng sửng sốt khi thấy người mình muốn giúp đỡ đang ngồi trên tấm chiếu đánh bài ăn tiền với vài người khác. Đó không phải là trường hợp duy nhất mà tôi kể với các bạn về người có lòng hảo tâm bị mắc lỡm.
Hiện tại, tôi đang làm việc trong cơ quan đài phát thanh truyền hình của một tỉnh miền trung. Chúng tôi thực hiện rất nhiều các chương trình cho người nghèo. Nhiều khi cầm đồng tiền đưa mà ái ngại vì thấy nó quá nhỏ trước cảnh ngộ của người nhận, dù với họ thế là đã quá điều mong đợi.
Đồng tiền tài trợ không nhiều vì vậy đưa sao cho đúng đối tượng là điều rất khó. Ai cũng nói mình đáng quan tâm nhất, nếu bạn đưa cho người thứ nhì trước thì bạn sẽ nhận rất nhiều lời trách móc.
Nhưng ai là người phải giúp đỡ đầu tiên, bạn làm sao để biết? Chủ yếu là dựa vào người dân địa phương biết hoàn cảnh của nhau. Nhưng độ chính xác đó được bao nhiêu phần trăm? Cũng nhiều, nhưng cũng sai sót không nhỏ đâu.
Tôi nghĩ người nghèo thường là do họ thiếu vốn làm ăn, không may mắn, không có sức khoẻ, gặp tai nạn... Nhưng những người nghèo vì không chịu làm cũng rất nhiều. Đáng ra họ phải cầm cuốc, cầm cày thì họ vứt hết để cầm một cái nón rách và ra đứng đầu đường. Như vậy, thu nhập họ sẽ bảo đảm cao hơn, mà không vất vả lắm. Nói vậy, thành ra việc cho tiền nhiều lúc lại gửi thêm một người ỷ lại vào số đông không có thói quen lao động và tạo thành một lớp người sống dựa dẫm.
Tôi vẫn rất muốn làm cách nào để người ta thoát nghèo chứ không phải thoát đói vài ngày. Nói theo cách người ta hay ví von là cho cần câu chứ không cho con cá. Nhưng ngay cả cần câu cũng bị bán luôn, không ít nơi người nghèo được cấp bò thì bán bò, phân đất nhượng đất. Cũng không thiếu cảnh người nghèo lấy tiền hỗ trợ về là tạt ngay vào quán nhậu hay đi đánh đề, chơi bài.
Nhiều người nghèo hay có suy nghĩ, các doanh nghiệp, các ông bà chủ lớn bỏ tiền ra cho mình là chuyện tất nhiên mà họ không biết rằng có rất nhiều người đi làm tài trợ bằng những đồng tiền họ chật vật kêu gọi giúp đỡ mới kiếm được.
Trên thực tế người kiếm tiền dễ và phi pháp thì không nhiệt tình làm từ thiện bằng những người kiếm đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt của họ. Chính vì vậy, chỉ cần đi vài nhà, thấy mình có vẻ bị mắc lừa thì người làm từ thiện sẽ chán nản, bỏ cuộc và những người thực sự nghèo sẽ khó kiếm tìm sự giúp đỡ.
Vậy làm sao giúp người thực sự nghèo cho có hiệu quả là điều tôi rất muốn biết. Tôi đã hỏi nhiều người, kể cả người ở nước ngoài, nhưng câu trả lời chưa rõ ràng. Với tôi, sự nỗ lực của mỗi hộ nghèo là điều vô cùng quan trọng và quyết định. Nghèo không phải là một cái tội nhưng ỷ nghèo để trục lợi và không lao động là đổ hết gánh nặng lên đầu người khác.
>> Xem thêm: Nông dân mãi nghèo vì bị thương lái ép giá
Kim Oanh
Chia sẻ bài viết về đời sống xã hội tại đây