Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, sáng 27/7. Video: Tuấn Việt
Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi khảo sát ga ngầm Bến Thành, sáng 27/7. Đây là nhà ga trung tâm của tuyến Metro Số 1, tương lai kết nối các tuyến Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương), 3a (Bến Thành - Tân Kiên), Số 4 (Thạnh Xuân - Khu công nghiệp Hiệp Phước). Công trình đã hoàn thành khoảng 81% khối lượng, dự kiến trả toàn bộ mặt ở trung tâm thành phố trong năm nay.
"Phía trên ga Bến Thành diện tích rất hẹp, trong khi đây là đầu mối kết nối 4 tuyến metro của TP HCM, nên cần sớm quy hoạch để tạo không gian thông thoáng, còn các loại dịch vụ mua bán nên tập trung chuyển xuống dưới", Thủ tướng nói.
![Thủ tướng kiểm tra công trường Metro Số 1, sáng 27/7. Ảnh: Gia Minh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/07/27/thu-tuong-2499-1658897467.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VbPbBkv0c88DAnbHunLZ0A)
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công trường Metro Số 1, sáng 27/7. Ảnh: Gia Minh
Theo lãnh đạo Chính phủ, ngoài Metro Số 1 sắp hoàn thành, ba tuyến đường sắt đô thị khác khi đưa vào khai thác sau này sẽ thu hút lượng khách rất lớn đến khu vực mỗi ngày. Do vậy, nếu thành phố không có kế hoạch sớm để giãn mật độ xây dựng các loại dịch vụ, thương mại phía trên, trung tâm thành phố sẽ gặp ách tắc, các tuyến metro khó phát huy hiệu quả.
Đề cập vấn đề trên, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM Bùi Xuân Cường nói ga Bến Thành đã xây dựng đồng bộ phần kết cấu, đảm bảo các tuyến metro khác kết nối thuận lợi khi triển khai. Chính quyền thành phố đã chỉ đạo chủ đầu tư cùng sở ngành lập phương án quy hoạch lại khu vực, bao gồm thiết kế cảnh quan, không gian ngầm... sau khi mặt bằng được hoàn trả.
Theo định hướng của thành phố, không gian ngầm ở khu vực này sẽ gồm nhiều loại dịch vụ, thương mại và kết nối đồng bộ với ga metro, để khách đi lại thuận tiện, mua sắm, giải trí... Phía trên mặt đất được lên kế hoạch ưu tiên cho giao thông công cộng, phát triển không gian mở, phố đi bộ... kết hợp nhiều tiện ích.
![Phía trên ga ngầm Bến Thành của Metro Số 1, tháng 7/2022. Ảnh: Tuấn Việt](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/07/27/metro1-2396-1658897467.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=362JL1SDDcT6Mb7dbHVYFA)
Phía trên ga ngầm Bến Thành của Metro Số 1, tháng 7/2022. Ảnh: Tuấn Việt
Trước đó, khi trao đổi với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA ) tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ các khoản vay ODA, hợp tác với TP HCM triển khai các tuyến metro tiếp theo do đã có kinh nghiệm từ tuyến số 1. Trong đó, ông đề nghị đẩy nhanh dự án Metro Số 3a, từ đó nghiên cứu kéo dài tuyến đường sắt này đến Cần Thơ.
Cũng tại buổi làm việc sáng nay liên quan các dự án metro, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề xuất cho gia hạn Metro Số 1 khai thác vào quý 4 năm tới do ảnh hưởng hai năm dịch bệnh và còn vướng thủ tục bố trí vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương. Còn tuyến Số 2, thành phố cũng đề xuất thời gian hoàn thành vào năm 2030 thay vì 2026 như kế hoạch.
Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng cho tạm ứng ngân sách địa phương để bố trí kinh phí cho Công ty Đường sắt đô thị số 1 - đơn vị vận hành tuyến Metro Số 1. Việc này giúp đơn vị có nguồn lực triển khai các công việc chuẩn bị khai thác tuyến metro trong bối cảnh dự án sắp hoàn thành.
Theo quy hoạch, TP HCM có 8 tuyến metro tổng chiều dài khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư gần 25 tỷ USD. Hiện, Metro Số 1 và Số 2 đã được triển khai từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi; tuyến Số 5 giai đoạn một đã hoàn chỉnh thiết kế cơ sở, có cam kết tài trợ và dự án đầu tư.
Gia Minh - Thu Hằng