Trả lời:
Muối khoáng kết tinh tạo thành sỏi, làm tắc đường bài tiết nước tiểu nên gây ra cơn đau thận. Muối khoáng bình thường hòa tan trong nước tiểu, nhưng trong một số trường hợp, chúng kết tinh và tạo thành những viên sỏi nhỏ. Kích thước sỏi có thể bằng hạt cát, hạt dẻ hoặc lớn hơn; thành phần cấu tạo cũng khác nhau tùy ở mỗi người.
Trong đa số các trường hợp, cơn đau thận là do niệu quản bị tắc khi sỏi di chuyển từ thận đến bàng quang. Sỏi thận có thể không gây triệu chứng gì trong nhiều năm, chỉ gây ra cơn đau khi trôi xuống phía dưới. Cơn đau thận rất thường gặp ở những người trong độ tuổi 35-65.
Triệu chứng: Cơn đau đến đột ngột, rất dữ dội và chỉ ở một bên. Đau bắt đầu ở vùng thắt lưng rồi lan sang phía bụng, nách và các cơ quan sinh dục. Có lúc đau giảm đi nhưng sau đó lại xuất hiện cơn khác dữ dội hơn. Không có tư thế nào làm đỡ đau. Bệnh nhân có thể nôn, buồn nôn, ra mồ hôi, mạch nhanh nhưng không sốt; buồn tiểu nhưng nhiều khi lại không cảm thấy dễ chịu sau khi tiểu.
Nên làm gì khi đang lên cơn đau? Không uống nước vì nước tích tụ ở vùng trên của sỏi, làm tăng thêm áp lực cho thận và khiến bạn đau thêm. Nên khẩn cấp đến bệnh viện, nằm nghỉ, đắp khăn ướt và nóng lên vùng thắt lưng; dùng thuốc chống viêm, chống co thắt và chống đau (dạng tiêm, uống hay đặt hậu môn). Trong đa số trường hợp, sỏi nhỏ (đường kính dưới 5 mm) có thể được loại trừ tự nhiên theo nước tiểu cùng với liệu pháp chống viêm. Nếu sỏi quá to thì có nhiều phương pháp "tán sỏi", nhưng cần được thực hiện tại bệnh viện.
Phòng bệnh: Hàng ngày cần uống nhiều nước, ít nhất 2 lít mỗi ngày. Không bao giờ để cơ thể thiếu nước, mất nước, nhất là khi di chuyển bằng ôtô, tàu hỏa trong mùa hè. Việc xét nghiệm phân tích nước tiểu có thể cho biết các loại muối khoáng dư thừa (muối urat phosphat hay oxalat), từ đó có chế độ ăn thích hợp nhằm tránh tái phát cơn đau thận. Đi nghỉ chữa bệnh ở vùng có suối nước khoáng nóng cũng là cách rất tốt để phòng bệnh tái phát.
BS Đào Xuân Dũng, Sức Khoẻ & Đời Sống