Trả lời:
Sỏi đài thận có thể nằm rải rác trong 3 hệ thống đài (trên, giữa và dưới) của 2 thận. Ngay trong một hệ thống đài, có khi sỏi chỉ nằm đơn độc trong một đài, có khi kết lại thành chùm nằm trong một đài hoặc nhiều đài. Có khi sỏi chẹn ngay ở cuống đài. Sỏi đài thận không gây ứ niệu trong thận như sỏi bể thận và sỏi niệu quản. Vì vậy, nó không gây nên những cơn đau quặn thận dữ dội. Nếu có đau thì cũng chỉ âm ỉ mà thôi. Nó cũng ít gây nên hiện tượng đái đục hay đái máu. Do đó, có nhiều người bệnh có sỏi đài thận mà không biết, cho đến khi siêu âm hoặc chụp X-quang mới phát hiện được.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đài thận bị giãn, bị nhiễm khuẩn thì nước tiểu đục, bệnh nhân đau vùng thận và có khi kèm theo sốt. Tình trạng đó thường xảy ra ở hệ thống đài dưới. Có khi đài dưới giãn to như một cái túi đầy sỏi và mủ, dễ nhầm với viêm thận mủ. Trong trường hợp này, nếu chỉ mổ lấy sỏi đài thận thì sỏi rất dễ tái phát kèm theo viêm nhiễm ngày càng nặng. Vì vậy, có chỉ định cắt bỏ một phần thận (cắt bỏ cực dưới cùng cả hệ thống đài dưới đã giãn và đầy sỏi). Bệnh sẽ khỏi hoàn toàn, không tái phát và chức năng thận được phục hồi.
Ngoài trường hợp nêu trên, nói chung người bệnh có thể chung sống hòa bình với sỏi đài thận mà không cần can thiệp phẫu thuật. Chỉ khi bệnh gây đau đớn nhiều, đái đục và đái máu nhiều lần điều trị bảo tồn không được thì mới phải mổ.
Trường hợp của bà, sỏi đài thận 2 bên hiện nay còn nhỏ, chưa gây biến chứng gì nên chưa cần phải mổ. Tuy nhiên, bà nên uống nhiều nước (râu ngô, bông mã đề và nhất là kim tiền thảo) giữ vệ sinh phụ nữ, không ăn cao động vật... Chỉ lúc nào đau nhiều, nước tiểu đục hoặc có máu thì cần tới khám ở khoa tiết niệu xác định bệnh thật chính xác để có phương hướng giải quyết tốt nhất.
GS Lê Sĩ Toàn, Sức Khoẻ & Đời Sống