Khi tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long. Bác sĩ Đỗ Minh Mẫn, phó trưởng khoa Cấp cứu, cho biết anh được người dân phát hiện bất tỉnh gần cổng bệnh viện, tối 26/3. Lúc được đưa vào viện, bệnh nhân đã hôn mê, ngưng tim ngưng thở, da tím, mạch không bắt được.
Kíp cấp cứu xoa bóp tim liên tục, đặt nội khí quản, bóp bóng giúp thở. Sau khoảng 5 phút hồi sức tích cực, tim bệnh nhân đập trở lại, tay chân bắt đầu cử động nhẹ.
Bác sĩ Mẫn nhận định đây là trường hợp ngưng hô hấp tuần hoàn xảy ra đột ngột, chưa khai thác được bệnh sử từ người bệnh. Bệnh nhân nguy kịch nhanh, nếu không phán đoán đúng và xử lý kịp thời, nguy cơ tử vong cao. Từ các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng, chỉ định tiêm ngay thuốc Adrenaline pha loãng - vũ khí cấp cứu sốc phản vệ, cùng nhiều thuốc hỗ trợ khác. Bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, có lại mạch, huyết áp, tri giác cải thiện dần.
Vài giờ sau khi tiêm Adrenaline, bệnh nhân hồi tỉnh, tự thở được, các dấu hiệu sinh tồn ổn định. Người bệnh chia sẻ có tiền sử dị ứng, không mắc các bệnh nền khác.
Theo bác sĩ Mẫn, có nhiều tác nhân (dị nguyên) gây ra phản ứng phản vệ, như thuốc, thức ăn có nguồn gốc từ động vật, nọc độc côn trùng đốt hoặc cắn, không khí ô nhiễm, khói bụi, mùi hương, phấn hoa... Trong đó, thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây sốc phản vệ cho người bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý sử dụng thuốc, nhất là những người có cơ địa dị ứng. Khi có vấn đề về sức khỏe, nên đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tác dụng phụ, biến chứng, thậm chí tử vong do dị ứng thuốc.
Thư Anh