Chồng sản phụ cho biết đưa vợ đến nhập viện ngày 2/11/2020, yêu cầu mổ lấy thai do thai lớn, mẹ bị tiểu đường thai kỳ, tiền sử dị ứng thuốc tê, xương chậu hẹp. Sản phụ thông báo với nữ hộ sinh là từng bị dị ứng thuốc tê khi mổ chân và răng. Nữ hộ sinh dán sticker để lưu ý tình trạng này. Tại phòng tiền phẫu, sản phụ tiếp tục trình bày tiền sử dị ứng thuốc tê, yêu cầu gây mê, "được ê kíp mổ đồng ý" - theo gia đình sản phụ.
"Khi vào phòng mổ, bác sĩ gây mê đã tự ý đổi phương án gây mê sang gây tê, bỏ qua tiền sử dị ứng thuốc cũng như kết quả hội chẩn tiền phẫu", chồng sản phụ chia sẻ. Khi được tiêm thuốc tê vào tủy sống, chị co giật mạnh, nôn mửa liên tục trong quá trình phẫu thuật. Sau mổ lấy thai, chị được đưa ra phòng hồi sức và phát hiện liệt nửa người bên trái. Bệnh viện hội chẩn với bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định và chuyển bệnh nhân sang làm các xét nghiệm chuyên sâu. Kết quả sản phụ không gặp vấn đề gì.
Trong 49 ngày điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Mêkông, sản phụ được đưa đi siêu âm, chụp X-quang, chụp MRI, đo điện cơ... tại Bệnh viện Nhân dân 115, kết quả bình thường. Gia đình cho rằng bệnh viện lơ là trong chăm sóc, gián đoạn kế hoạch tập vật lý trị liệu khiến quá trình phục hồi chậm lại. Hiện sản phụ bị sang chấn tâm lý, mất ngủ, hoảng loạn hàng đêm, sụt 6 kg, không thể bế con hay cho con bú, các sinh hoạt cá nhân phải có người thân trợ giúp. Bệnh viện cũng không gửi bản tóm tắt hồ sơ bệnh án theo yêu cầu của sản phụ để làm hồ sơ bảo hiểm.
Bác sĩ Lê Minh Nguyệt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Mêkông, cho biết đây là trường hợp tai biến y khoa của bệnh viện. Theo giải trình của bác sĩ trưởng khoa gây mê hồi sức, người trực tiếp gây tê sản phụ, khi vào phòng mổ, bác sĩ phân vân không biết tiêm thuốc gây tê hay gây mê sẽ tốt hơn vì sản phụ từng một lần liệt nửa người thoáng qua trong lúc mang thai 30 tuần. Sau khi test dị ứng thuốc tê, bác sĩ quyết định tiêm thuốc gây tê.
"Bác sĩ gây tê muốn áp dụng cách nào tốt nhất cho sản phụ nhưng lại thực hiện không đúng quy trình, phán đoán không tốt, dẫn đến sự cố ngoài ý muốn", bác sĩ Nguyệt nói. Thông thường, quá trình gây mê bệnh nhân có thể gặp nhiều nguy hiểm, nhiều nguy cơ tai biến hơn gây tê. Bệnh nhân khi phản ứng với thuốc tê thường có biểu hiện sốc phản vệ, tụt huyết áp, trụy mạch, ngưng tim...
Lý giải lý do không gửi tóm tắt hồ sơ bệnh án sản phụ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, cho biết thời điểm đó trùng với lúc Sở Y tế TP HCM đến kiểm tra, đánh giá bệnh viện nên chậm đáp ứng yêu cầu của gia đình. Bệnh nhân điều trị gần hai tháng nên hồ sơ bệnh án rất dài. Một ngày sau, tức ngày 19/1, bệnh viện cử nhân viên y tế đến nhà đưa giấy xác nhận nhưng sản phụ không nhận. Bệnh viện nhận lỗi về việc chậm trễ này.
Theo bác sĩ Tuấn, bệnh viện nhiều lần cùng đồng nghiệp các bệnh viện tiến hành chụp chiếu, siêu âm, khám, hội chẩn... sản phụ song vẫn không thấy có tổn thương thực thể, không chứng minh được tình trạng liệt nửa người liên quan đến gây tê. "Chúng tôi không chối bỏ việc bệnh nhân yếu liệt nửa người, vẫn hỗ trợ tập vật lý trị liệu đến lúc hồi phục", bác sĩ Tuấn nói.
Bệnh viện đã báo cáo Sở Y tế TP HCM vụ việc, họp hội đồng chuyên môn để rút kinh nghiệm. Bác sĩ gây tê cho sản phụ có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, "rất buồn và sốc, đã xin thôi việc", theo bác sĩ Nguyệt. Bệnh viện cũng xin lỗi sản phụ cùng gia đình.