Cô được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai ngày 22/4. Các bác sĩ xác định bệnh nhân sốc phản vệ độ II, nếu không xử lý kịp thời sẽ chuyển thành sốc phản vệ nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh nhân được cấp cứu phản vệ theo phác đồ sốc phản vệ. Sau 8 giờ, bệnh nhân hết mẩn ngứa, tình trạng ổn định, chỉ còn khó thở nhẹ.
Bác sĩ Phạm Văn Dương, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, cho biết đuông cọ, nhộng tằm là món ăn được nhiều người ưa thích nhưng do thành phần chứa hàm lượng đạm cao nên có thể gây ra nhiều nguy cơ dị ứng, thậm chí sốc phản vệ với những người có cơ địa dị ứng.
Biểu hiện của dị ứng là nổi mề đay, phát ban, nôn, tiêu chảy, khó thở ngay sau khi ăn hoặc sau một vài giờ. Nặng hơn, bệnh nhân có thể sốc phản vệ.
Phản ứng phản vệ xảy ra khá đa dạng, có thể do thuốc hoặc hóa chất điều trị, dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm và côn trùng đốt. Bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Hôm 21/4, một thanh niên ở Phú Thọ cũng bị sốc phản vệ sau khi thái hành. Đầu tháng 4, một người đàn ông cũng sốc phản vệ sau khi ăn thịt ba ba.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện trên cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Trường hợp người bệnh còn tỉnh táo, có thể xử lý tại nhà bằng cách tự gây nôn, uống nhiều nước trước khi đưa đến bệnh viện.