Một phái đoàn hải quân Pháp hôm 9/5 tới thăm thành phố Thượng Hải và dự kiến trú lại đây tới ngày 15/5. Nhân dịp này, Paris mong muốn giới thiệu và chào bán loại tàu đổ bộ tấn công, hay còn gọi là tàu sân bay trực thăng, lớp Mistral cho Bắc Kinh.
Dù Trung Quốc đang lập kế hoạch tự nâng cấp tàu đổ bộ tấn công của riêng mình nhưng chuyên gia nhận định nước này có khả năng sẽ mua tàu Mistral để làm mẫu sao chép.
Năm 2011, Nga ký hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD mua hai tàu lớp Mistral từ Pháp. Những tàu này đã hoàn thành và chỉ chờ ngày xuất xưởng nhưng thỏa thuận đến nay vẫn bị trì hoãn bởi lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga liên quan đến những bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Người Pháp gọi tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral là soái hạm vì tính đa nhiệm, linh động của nó. Chiến hạm này có thể đóng vai trò như một trung tâm chỉ huy đầu não trong các chiến dịch tấn công chớp nhoáng, hỗ trợ hậu cần, di tản nhân đạo, làm bệnh viện dã chiến hay thực hiện nhiều nghiệp vụ tác chiến hải quân khác.
Chiến hạm đa nhiệm
Pháp bắt đầu phát triển tàu Mistral từ năm 1997 dựa trên học thuyết Khái niệm Hoạt động Quân sự Thủy bộ Quốc gia. Chiếc tàu đầu tiên do Tổng cục Vũ khí Pháp phối hợp với lực lượng hải quân và công ty năng lượng DCNS chế tạo. Một số nhà thầu nước ngoài cũng tham gia dự án này.
Chiến hạm lớp Mistral được hạ thủy lần đầu vào tháng 10/2004 ở xưởng đóng tàu Brest, phía tây Pháp. Đến nay hải quân Pháp biên chế ba tàu đổ bộ loại này.
Với chiều dài 199m, chiều rộng 32m và lượng giãn nước 21.300 tấn, có thể chở 4 xà lan đổ quân, 16 trực thăng, hai tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, 450 binh sĩ, Mistral là chiến hạm lớn thứ hai của hải quân Pháp, chỉ đứng sau tàu sân bay Charles de Gaule, và là tàu đổ bộ lớn nhất trong các tàu cùng loại ở châu Âu hiện nay.
Tàu đạt tốc độ tối đa khoảng 33 km/h và có phạm vi hoạt động 19.800 km. Một thủy thủ đoàn gồm 160 người đảm nhận trách nhiệm vận hành tàu.
Tàu được trang bị hai tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn MBDA Simbad dùng tên lửa Mistral. Hệ thống này được tích hợp radar dẫn đường hồng ngoại với tầm hoạt động lên tới hơn 6 km, đảm bảo khả năng phòng vệ trước máy bay và tên lửa hành trình đối hạm.
Nhà sản xuất cũng lắp đặt cho chiến hạm 4 súng máy Browing M2-HB 12,7 mm cùng hai tổ hợp pháo phòng không hải quân Breda-Mauser 30 mm, đủ sức tiêu diệt các loại tàu tuần tiễu cỡ nhỏ, máy bay, hệ thống phòng không tầm ngắn, trợ giúp tấn công các phương tiện thiết giáp, đồng thời yểm trợ lính thủy đổ bộ lên bờ biển.
Ngoài ra, tàu cũng sở hữu một cơ sở y tế tương đương bệnh viện dã chiến cấp sư đoàn hay quân đoàn hoặc bệnh viện đa khoa của một thành phố 250.000 dân. Cơ sở này có diện tích 900 mét vuông với 20 phòng và 69 giường bệnh, trong đó có hai phòng phẫu thuật và 7 phòng chăm sóc đặc biệt. Hệ thống điều khiển y học từ xa dựa trên vệ tinh Syracuse cho phép các bác sĩ thực hiện những ca phẫu thuật chuyên ngành phức tạp.
Sức mạnh của Mistral trong tác chiến phối hợp còn nằm ở khả năng đổ quân nhanh chóng với số lượng xe chiến đấu hạng nặng lớn và thích nghi với nhiều loại địa hình bờ biển phức tạp.
Hệ thống chỉ huy và thông tin liên lạc cũng là một trong những điểm sáng làm nên uy lực của tàu. Dữ liệu từ các thiết bị tiếp nhận được tập trung vào Hệ thống Thông tin Chiến thuật dùng cho Hải quân (SENIT). Hệ thống SENIT 9 dùng trên tàu lớp Mistral được xây dựng dựa trên radar ba chiều đa chức năng MRR3D-NG tích hợp cơ chế nhận dạng quân ta và quân địch.
Trong chế độ giám sát bề mặt, MRR3D-NG có thể phát hiện mục tiêu tầm thấp và trung bình ở khoảng cách 140 km hay mục tiêu ở khoảng cách tới 180 km khi kích hoạt cơ chế cảnh giới không gian ba chiều tầm xa. Ở chế độ tự vệ, radar có khả năng phát hiện và theo dõi mọi mối đe dọa trong bán kính 60 km.
"Chiến hạm Mistral hội đủ tất cả các yếu tố để tạo thành một lực lượng tấn công đổ bộ hiệu quả, giúp nâng cao năng lực quân sự của Pháp", Peter Roberts, chuyên gia nghiên cứu cao cấp về sức mạnh trên biển tại Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nhận xét.
Điểm nóng tranh cãi
Từ sau khi bản hợp đồng giữa Nga và Pháp được ký kết hồi tháng 6/2011, chủ đề liên quan đến chiến hạm Mistral thường xuyên trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận. Phương Tây cho rằng việc Paris bán tàu cho Moscow là một bước đi đầy rủi ro.
Bộ trưởng Lithuania Rasa Jukneviciene từng gọi thương vụ giữa Nga và Pháp là "một sai lầm". Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 6 năm ngoái lên tiếng thúc giục Pháp rút khỏi thỏa thuận. "Tôi nghĩ nhấn nút tạm dừng vào lúc này là hợp lý", ông Obama nói.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về châu Âu Victoria Nuland nhấn mạnh Washington "thường xuyên và kiên quyết" bày tỏ quan ngại về thương vụ mua bán tàu chiến giữa Pháp và Nga. Cùng chung quan điểm trên, nghị sỹ đảng Cộng hòa Adam Kinzinger nhận định đã đến lúc chính phủ Pháp cần hủy hợp đồng gây tranh cãi trên.
Anh tham gia vào làn sóng phản đối sau sự kiện chiếc máy bay số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi tại miền đông Ukraine, khiến toàn bộ 283 hành khách cùng 15 thành viên tổ bay thiệt mạng. Thủ tướng Anh David Cameron cho hay việc Pháp đi tới tận cùng bản thỏa thuận là điều ông "không thể tưởng tượng nổi".
Tờ Le Figaro hôm 6/5 dẫn lời một quan chức giấu tên am hiểu vấn đề cho biết Pháp có kế hoạch đánh chìm tàu sân bay trực thăng đóng cho Nga nếu hợp đồng bị hủy. Thông tin trên lập tức khiến dư luận một lần nữa dậy sóng. Hiệp hội Thống nhất các Tổ chức Yêu nước Bleu Marine thuộc Mặt trận Dân tộc Pháp ra tuyên bố kiên quyết phản đối ý tưởng trên. Đô đốc Vyacheslav Popov, cựu chỉ huy Hạm đội Biển Bắc của Nga, thì cho rằng phương án đánh chìm tàu Mistral là "thiếu suy xét" và "chỉ có thể do một bộ não có vấn đề nghĩ ra".
Vũ Hoàng (tổng hợp)