"Trong số những hành động đang được chính phủ Pháp xem xét có việc phá hủy các tàu trực thăng. Chúng có thể bị tháo dỡ, tu bổ lại hoặc đánh chìm xuống đáy biển", bài viết đăng trên tờ Le Figaro của Pháp dẫn lời một quan chức giấu tên, hiểu rõ tình hình liên quan đến thương vụ tàu Mistral, cho biết.
Tờ báo cho biết thêm rằng kế hoạch tái trang bị hai tàu rồi biên chế cho Hải quân Pháp "không chắc sẽ xảy ra" do chúng được thiết kế đặc biệt để đáp ứng yêu cầu của Hải quân Nga. Tổng chi phí cho quá trình tái trang bị có thể lên đến hàng trăm triệu euro.
Thông tin trên khiến một quan chức quân sự cấp cao Pháp tức giận, nói khả năng phá hủy các tàu chiến là "không thể chấp nhận được" đối với những nỗ lực mà xưởng đóng tàu ở Saint-Nazaire đã bỏ ra.
Nga thông báo nước này không phản đối Pháp bán tàu chiến cho bên thứ ba. Tờ Le Figaro nhận định các khách hàng tiềm năng có thể là "Canada, một quốc gia phương bắc, hoặc Ai Cập".
"Không nhà lãnh đạo đầu óc bình thường nào lại muốn nhấn chìm tàu. Những suy nghĩ đó chỉ có trong trí óc kẻ bị bệnh", hãng tin Interfax dẫn lời cựu chỉ huy Hạm đội Phương bắc, thành viên Ủy ban Hàng hải Chính phủ Liên bang Nga, Vyacheslav Popov bình luận về khả năng đánh chìm hai tàu chiến. "Nó là khả năng chỉ để một lần nữa thu hút sự chú ý vào chủ đề này".
Tàu chiến lớp Mistral Sevastopol
Pháp đóng hai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral, tên gọi Vladivostok và Sevastopol, cho Nga theo hợp đồng trị giá 1,12 tỷ euro (1,25 tỷ USD) được ký kết năm 2011. Đây là loại tàu chiến dài 180 m, trọng tải 22.000 tấn, có khả năng chở 16 trực thăng, hàng chục xe bọc thép và phương tiện quân sự, cùng tối đa 700 binh sĩ.
Tháng 11, Paris tuyên bố hoãn chuyển giao tàu Vladivostok vì những vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Moscow muốn được hoàn tiền nếu hủy hợp đồng và người đồng cấp Pháp Francois Hollande đã đồng ý.
Nguồn tin từ chính phủ Pháp cho biết Paris còn phải bồi thường 300 triệu euro (hơn 340 triệu USD) cho Moscow do vi phạm hợp đồng.
Quyết định từ chính phủ Pháp đang tạo ra lo ngại trong giới kinh doanh, những người cho rằng không hoàn thành hợp đồng có thể gây tổn hại kinh tế trong dài hạn. Jean-Pierre Thomas, từng là cố vấn cho cựu tổng thống Nikolas Sarkozy, nhận định đánh chìm các con tàu giá trị như vậy là ngớ ngẩn.
"Việc đó hoàn toàn vô nghĩa. Chúng ta mất tiền thuê 1.000 công nhân ở Saint-Lazare, nơi đóng hai tàu. Tiếp đó là làm xấu hình ảnh đất nước", ông Thomas nói. "Các tàu Mistral phải được chuyển giao, kết hợp với ngoại giao. Chính trị, ngoại giao và kinh doanh là hai vấn đề khác nhau".
Như Tâm (Video: Ruptly TV)