Quân đội Nga từng thu được nhiều vũ khí trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia để bảo vệ Abkhazia và Nam Ossetia tháng 8/2008. Chiến lợi phẩm có giá trị nhất trong số này chính là 5 xe thiết giáp hạng nhẹ Humvee của Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC), theo War is Boring.
Quân đội Nga bắt đầu tấn công Poti, cảng hỗn hợp chiến lược của Gruzia bên bờ Biển Đen từ ngày 11/8/2008, nhằm đáp trả việc nước này tấn công Abkhazia và Nam Ossetia.
Sau nhiều ngày không kích, lực lượng Nga chặn mọi ngả đường tới cảng Poti vào sáng 19/8. Tàu tên lửa Dioskuria, chiến hạm hiện đại nhất của Gruzia, bị kéo đi và đánh chìm chỉ sau vài phút. Quân đội Nga đã phá hủy tổng cộng 6 tàu hải quân Gruzia trong một tháng kiểm soát Poti.
Vài giờ sau, các phóng viên phát hiện nhiều phương tiện cơ giới Nga rời khỏi cảng, chở theo 21 binh sĩ Gruzia bị trói và bịt mắt, cùng 5 chiếc Humvee được lính Nga lái hoặc kéo phía sau xe thiết giáp.
Washington Post tiết lộ những chiếc Humvee thuộc biên chế Tiểu đoàn thông tin số 6 USMC, bị thu giữ cùng "hàng loạt thiết bị điện tử và liên lạc nhạy cảm" khi đang nằm trong container tại cảng Poti. Chúng đang chuẩn bị được đưa về Mỹ sau khi tham gia cuộc tập trận hồi tháng 7/2008.
Tướng James T. Conway, tư lệnh USMC khi đó, tuyên bố các phương tiện bị tịch thu gồm 4 chiếc Humvee thông thường và một xe được nâng cấp giáp bảo vệ. Phát ngôn viên Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ Corey Barker khẳng định cả 5 thiết giáp Humvee đều "không chứa công nghệ theo dõi hoặc mã hóa tối tân của quân đội Mỹ".
Trong khi đó, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Anatoly Nogovitsyn lại khẳng định binh sĩ nước này đã phát hiện "rất nhiều thứ thú vị" trong 5 chiếc Humvee.
Quân đội Mỹ sau đó tỏ ý muốn lấy lại những xe Humvee đang trong tay Nga. "Chúng ta cần gửi hóa đơn tới Moskva, yêu cầu họ trả tiền mua xe hoặc gửi chúng về Mỹ", tướng Conway tuyên bố hồi tháng 9/2008. Tuy nhiên, Phó tổng tham mưu trưởng Nogovitsyn bác bỏ yêu cầu này, cho rằng 5 chiếc Humvee là "chiến lợi phẩm và Nga không có nghĩa vụ trả lại cho ai".
Dường như Washington sau đó cũng lãng quên số khí tài đang nằm trong tay Moskva. Ứng cử viên Barack Obama giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống Mỹ cuối năm 2008, bắt đầu những nỗ lực hàn gắn quan hệ với Moskva.
Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), loại bỏ điều khoản yêu cầu Nga bàn giao "toàn bộ trang thiết bị vũ khí thuộc sở hữu của quân đội Mỹ bị tịch thu" trong chiến dịch quân sự tháng 8/2008.