Từ cuối tuần qua, báo New York Times đăng bài viết gây sốc về việc công ty Cambridge Analytica (CA) của Anh thu thập thông tin liên quan đến 50 triệu người dùng Facebook mà họ không hề hay biết. Và đây lại chính là công ty cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 của ông Donald Trump.
Đây tưởng chừng chỉ là bê bối của CA. Cụ thể, từ năm 2014, Aleksandr Kogan, giảng viên tại Đại học Cambridge (Anh) đã phát triển một ứng dụng Facebook trả tiền cho hàng trăm nghìn người dùng nếu họ đồng ý tham gia một khảo sát tâm lý. Ngoài kết quả kiểm tra, người dùng còn chia sẻ danh sách bạn bè Facebook của họ cho ứng dụng này.
Sau đó, Kogan bán lại cơ sở dữ liệu kết quả cho CA - hành động mà Facebook đang cáo buộc là vi phạm điều khoản: Ứng dụng này không được phép sử dụng dữ liệu vào mục đích thương mại. Facebook cũng tuyên bố đã ngưng dịch vụ đối với CA và sẽ kiểm tra xem các dữ liệu đó có được CA sử dụng trong chiến dịch tranh cử hay không.
Tuy nhiên, Facebook vẫn phải hứng chịu nhiều chỉ trích bởi như các chuyên gia nhận định, CA chẳng thể làm được gì nếu như bản thân Facebook không "bật đèn xanh" hoặc không thực sự mạnh tay trước những thương vụ chính trị như vậy. Như việc Giáo sư Kogan bán dữ liệu cho CA, Facebook cho biết đã phát hiện vi phạm này từ năm 2015 và đã yêu cầu các bên xoá bỏ. Tuy nhiên, New York Times khẳng định một lượng dữ liệu vẫn còn tồn tại tới ngày 17/3/2018.
Theo Bloomberg, một thực tế rõ ràng là người sử dụng rất dễ bị "dụ" cung cấp các thông tin cá nhân mà chẳng mảy may đắn đo suy nghĩ. Các đại gia công nghệ như Facebook có những thủ thuật biến việc chấp nhận các điều khoản dịch vụ phức tạp nhìn chẳng khác gì một quyết định vô tư.
"Nếu chúng tôi xem cả các thông tin về bạn bè của bạn thì có được không?", họ hỏi. "Tất nhiên, có gì mà không được?", thường thì chúng ta sẽ nhún vai nghĩ vậy.
Sau đó, chỉ Facebook là biết phải khai thác, kinh doanh đặc quyền này ra sao. Người dùng bình thường thì chẳng quan tâm một ứng dụng lấy dữ liệu của họ để phục vụ cho mục đích nghiên cứu hay chính trị. Họ để ý đến sự tiện lợi hơn là tính riêng tư cá nhân.
Chỉ có những công ty như Facebook là hiểu rõ một chiến dịch tranh cử có thể làm gì với các dữ liệu đó. Các kỹ năng chuyên môn của CA cho phép họ sử dụng thông tin hồ sơ người dùng để phân tích tâm lý, phán đoán người đó có khuynh hướng bỏ phiếu cho phe nào hay ứng cử viên nào.
Tất nhiên, chưa ai dám khẳng định các dữ liệu Facebook, bao gồm dữ liệu về bạn bè người dùng mà CA đã thu thập, có thể giúp ích nhiều cho chiến dịch tranh cử. Nhưng ngược lại, cũng chẳng ai dám chắc là kết quả đã không biến đổi dựa trên những thông tin đó.
Cũng theo Bloomberg, có nhiều bằng chứng gợi ý rằng Brad Parscale, người phụ trách các hoạt động số trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, phối hợp rất chặt chẽ với Facebook. Sử dụng tính năng "Đối tượng tương tự" (Lookalike Audiences) của mạng xã hội này, Parscale có thể tìm ra những người có khả năng cao sẽ ủng hộ Trump. Facebook cũng có khả năng hiển thị những quảng cáo có lợi cho ông Trump trên News Feed của những người từng "thích" một trang nào đó liên quan đến ông Trump hoặc Đảng của ông.
Đây cũng chính là điểm gây rất nhiều tranh cãi hồi cuối năm ngoái, khi Facebook bị cáo buộc đã hiển thị và lan truyền quảng cáo có lợi cho Donald Trump trong đợt bầu cử năm 2016. Điều đáng nói là đứng sau và bỏ tiền ra mua những quảng cáo này lại là một nhóm doanh nhân Nga. Nhiều câu hỏi về sự liên quan giữa người Nga, Facebook với kết quả bầu cử 2016 đã được liên tiếp đặt ra kể từ thời điểm đó.
Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook luôn nói về sự minh bạch và trung lập của công nghệ. Nhưng có vẻ những phát hiện gần đây về mạng xã hội này cho thấy Facebook không hề "ngây thơ" như vậy. Dù cố ý hay chỉ là bị lợi dụng, cũng không thể phủ nhận Facebook có vai trò ngày càng sâu trong những góc khuất chính trường thế giới.