Cuối tuần qua, báo New York Times đăng bài viết gây sốc về vụ rò rỉ thông tin được cho là lớn nhất trong lịch sử Facebook. Cụ thể, Cambridge Analytica - công ty phân tích dữ liệu có văn phòng tại Anh và Mỹ, đã được thuê vào tháng 6/2016 để phân tích thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook - tương đương 25% số cử tri Mỹ trước giai đoạn bầu cử.
Những dữ liệu này được họ mua lại từ Aleksandr Kogan, giảng viên Đại học Cambridge. Kogan thu thập thông tin dựa trên ứng dụng thisisyourdigitallife - một dạng khảo sát trả lời các câu hỏi trên nền tảng mạng xã hội - và khẳng định khảo sát được thực hiện với mục đích nghiên cứu học thuật.
Ứng dụng này đòi hỏi người dùng đăng nhập tài khoản Facebook cũng như yêu cầu quyền truy cập hồ sơ, vị trí của họ. Có rất nhiều ứng dụng khác như game, đố vui... cũng đưa ra những đòi hỏi tương tự và người dùng thường chấp nhận. Tuy nhiên, vấn đề là Kogan lại bán dữ liệu này cho Cambridge Analytica mà người dùng không hề hay biết.
Ảnh: ABC. |
Facebook cho biết từ cách đây 3 năm, họ đã phát hiện nhiều dữ liệu bị chia sẻ đến các công ty bên ngoài như Cambridge Analytica. Công ty này đã cam kết xóa thông tin thu thập được nhưng New York Times cho biết một lượng dữ liệu vẫn còn tồn tại tới ngày 17/3. Để cảnh cáo, Faceboook đã đóng tài khoản mạng xã hội của Cambridge Analytica.
Cambridge Analytica tuyên bố họ vẫn tuân thủ các chính sách, điều khoản của Facebook, không lưu giữ thông tin người dùng và đang làm việc với mạng xã hội này để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, Christopher Wylie, chuyên gia dữ liệu từng làm việc tại Cambridge Analytica, tiết lộ công ty này đã đầu tư một triệu USD cho chiến dịch khai thác trên, trong đó công việc chính là "thu thập hồ sơ của hàng triệu người dùng Mỹ và xây dựng những nội dung nhắm vào tâm lý của họ".
Giới truyền thông đánh giá đây là một trong những vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trên mạng xã hội. Ngược lại, Facebook phủ nhận việc "rò rỉ thông tin" bởi người dùng đã biết và chấp thuận những thông tin mà họ cung cấp trên ứng dụng, chứ hệ thống không bị thâm nhập hay mật khẩu bị lộ.
Vụ bê bối này có thể khiến CEO Mark Zuckerberg hoặc COO Sheryl Sandberg phải điều trần trước Quốc hội Mỹ. Cổ phiếu Facebook cũng lao dốc 7% trong phiên giao dịch ngày 19/3, khiến Zuckerberg mất 5 tỷ USD. Mạng xã hội cũng được cho là sẽ phải điều chỉnh lại cơ chế bảo mật và bảo vệ thông tin người dùng.
Trước đó, Facebook cũng gặp rắc rối khi bị quy trách nhiệm cho việc "dìm hàng" các kênh truyền thông chính thống, phát tán tin tức giả mạo, gây bức xúc, chia rẽ xã hội. Nổi bật là những chỉ trích xoay quanh vai trò của Facebook đến đâu trong việc tác động tới kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.