Trong bài đăng trên blog, TikTok lập luận rằng sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng 8 tước đi quyền của công ty trong việc chứng minh họ không chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc, cũng như không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia.
"Chúng tôi không xem nhẹ việc kiện chính phủ, tuy nhiên chúng tôi cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác để bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như quyền của toàn bộ nhân viên", TikTok viết. "Sắc lệnh đe dọa các hoạt động của chúng tôi tại Mỹ, điều này có thể khiến 10.000 người Mỹ mất việc làm và gây ra tổn hại không thể khắc phục với hàng triệu người Mỹ khác khi họ sử dụng ứng dụng để giải trí, kết nối và sinh kế hợp pháp, đặc biệt trong đại dịch này".
Trong đơn kiện, TikTok và công ty mẹ ByteDance muốn chính phủ Mỹ ngăn Trump thực hiện lệnh hành pháp đã ký ngày 6/8. Vụ kiện hiện được trình lên tòa án liên bang Los Angeles, đề cập đích danh Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross.
ByteDance cho biết họ không phản đối việc Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) điều tra công ty. "CFIUS chưa bao giờ nêu lý do tại sao các biện pháp an ninh của TikTok chưa đủ để giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia", ByteDance nói. Công ty cũng xác nhận CFIUS đã liên hệ với họ về việc mua lại Musical.ly, tên cũ của TikTok, năm 2017.
"Sắc lệnh cấm TikTok là có chủ đích vì chính phủ Mỹ lo ngại ứng dụng có thể bị chính phủ thao túng", TikTok nêu trong đơn kiện. "Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện những biện pháp đặc biệt để bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ, bao gồm cả việc để TikTok lưu trữ dữ liệu đó bên ngoài Trung Quốc (ở Mỹ và Singapore), đồng thời dùng các phần mềm để đảm bảo TikTok lưu trữ dữ liệu của người Mỹ riêng biệt với dữ liệu người dùng của các sản phẩm ByteDance khác".
Trước đó, Nhà Trắng bày tỏ lo ngại về nguy cơ an ninh đối với các công ty Trung Quốc như Huawei, WeChat hay TikTok. Ngày 6/8, Trump ra sắc lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với ứng dụng này. Lệnh cấm có hiệu lực sau 45 ngày. Một tuần sau, ông tiếp tục ký lệnh hành pháp riêng cho ByteDance, yêu cầu công ty phải thoái vốn hoạt động sau 90 ngày tại Mỹ, cũng như xóa mọi dữ liệu của người Mỹ mà TikTok đã thu thập từ trước đến nay.
ByteDance khẳng định đã cung cấp cho chính phủ Mỹ "lượng tài liệu khổng lồ" để giải thích các hoạt động bảo mật của TikTok. Họ cũng chứng minh đây chỉ là một công ty tư nhân, không hề chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc như các cáo buộc. Bên cạnh đó, ByteDance cũng coi các cuộc tấn công của chính quyền Mỹ với TikTok là sự leo thang về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Theo một số nguồn tin, TikTok đang tiếp tục thảo luận về việc "bán mình" tại một số thị trường Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Các công ty Microsoft, Oracle và Twitter đang là các "ứng viên" trong việc mua lại mạng video ngắn này.
Bảo Lâm (theo CNBC)