Ngày 14/8, Tổng thống Trump ký lệnh yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi hoạt động của TikTok tại Mỹ trong 90 ngày với lý do an ninh. Để có thể tồn tại ở Mỹ, công ty Trung Quốc có thể phải bán TikTok, điều này đi ngược lại tham vọng điều hành một "công ty toàn cầu" của chủ tịch ByteDance - Zhang Yiming.
Nếu không tuân thủ các quy định của Nhà Trắng, TikTok sẽ bị kiệt quệ khi kẹt giữa hai làm đạn trong thương chiến Mỹ - Trung. Tuy nhiên, trong tình thế ngặt nghèo nhất, TikTok vẫn còn ít nhất ba lựa chọn.
Zhang Yiming đang thử cả ba cách, mỗi lựa chọn đều sẽ đưa TikTok sang một ngã rẽ mới.
Kiện lại chính quyền Trump
Phương án đầu tiên, TikTok, có thể đối đầu trực diện với chính quyền Trump. Công ty có thể đâm đơn kiện, kéo dài thời gian cấm vận đến sau kỳ bầu cử Tổng thống và tìm kiếm cơ hội mới. "Chúng tôi sẽ theo đuổi mọi biện pháp có thể nhằm đảm bảo các quy định luật pháp được tuân thủ, cũng như công ty và người dùng của chúng tôi được đối xử một cách công bằng, nếu không phải bởi chính quyền, thì cũng bởi tòa án Mỹ", thông báo của TikTok đăng trên website công ty cho thấy họ đã xem xét đến việc này.
Lựa chọn này không phải vô căn cứ. Lịch sử Mỹ đã ghi nhận những công ty công nghệ thắng kiện chính quyền liên bang vì bị đối xử thiếu công bằng. Tuy nhiên, vấn đề của TikTok phức tạp hơn. Lệnh cấm của Trump có thể không hợp lý nhưng hợp pháp. Tổng thống Mỹ viện lý do cấm vận là lo ngại đến an ninh quốc gia. Cả đảng Cộng hoà và Dân chủ đều chung quan điểm. Thực tế, hiếm khi các chính trị gia Mỹ đứng lên bảo vệ một công ty Trung Quốc.
Nếu theo đuổi vụ kiện đến cùng, TikTok không chỉ đánh mất cơ hội kinh doanh tại Mỹ, ứng dụng còn có thể bị xoá sổ khỏi cửa hàng của Apple, Google. Đây mới là thiệt hại nặng nề nhất.
Trên phương diện kinh doanh, đây không chỉ là thiệt hại của ByteDane mà còn là sự vô trách nhiệm với các nhà đầu tư. Nếu nhân viên TikTok tại Mỹ kiện chính quyền liên bang, đó là lựa chọn của họ. Nhưng nếu ByteDance khởi kiện, động thái này được ví như hành động "tự sát".
Thôi phục vụ người Mỹ
Phương án thứ hai được người dùng Trung Quốc ủng hộ hơn cả, đó là TikTok chủ động rời bỏ thị trường Mỹ, không phục vụ người dùng ở thị trường này. Ở Mỹ, TikTok có khoảng 100 triệu người dùng với nhiều ngôi sao nổi tiếng. Lựa chọn này cũng khiến ByteDance và các nhà đầu tư mất hàng chục tỷ USD doanh thu.
Quan trọng hơn cả, rời bỏ thị trường Mỹ đồng nghĩa với việc TikTok sẽ nhường lại thị phần cho các đối thủ cạnh tranh, như Facebook, Instagram. Trước TikTok, Huawei từng bị Mỹ cấm vận trong thời gian dài nhưng hãng công nghệ Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ thị trường. Họ tìm nhiều cách để lách luật và kiên trì bám trụ. Vì vậy, khả năng ByteDance chủ động rời bỏ thị trường Mỹ như kêu gọi của người dùng quê nhà khó xảy ra.
Làm theo yêu cầu của Nhà Trắng
Lựa chọn thứ ba bị người Trung Quốc phản đối nhất nhưng lại là hướng đi khả dĩ nhất cho TikTok: ByteDance bán TikTok cho một công ty Mỹ. Microsoft được cho là ứng viên sáng giá trong thương vụ này bên cạnh vài tên tuổi khác. Việc Tổng thống Trump kéo dài thời gian cấm vận tạo điều kiện cho ByteDance tìm kiếm thêm các cơ hội mới.
Theo yêu cầu của Tổng thống Trump, ByteDance phải thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ. Công ty cũng phải huỷ tất cả bản sao dữ liệu người dùng Mỹ và thông báo cho Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại đây khi đã hoàn thành.
Không có lựa chọn nào hoàn hảo. TikTok chỉ có thể đưa ra lựa chọn ít rủi ro nhất. Với người dùng Mỹ, đó là lựa chọn trách nhiệm. Bất kỳ công ty nào mua lại TikTok cũng giữ nền tảng được hoạt động trơn tru và tiếp tục cạnh tranh với các ứng dụng khác. Với bản thân ByteDance và các nhà đầu tư, bán lại TikTok là lựa chọn hợp lý vì họ sẽ thu về một khoản tiền lớn.
Kim Cương (theo Sina)