Mạng lưới khai thác Bitcoin sáng 13/8 tự điều chỉnh để độ khó tăng 7,3%, đánh dấu lần tăng đáng kể đầu tiên kể từ khi chính quyền Trung Quốc thông qua lệnh cấm mỏ đào Bitcoin. Điều này cho thấy nhiều hệ thống máy đào từng triển khai ở Trung Quốc đang trở lại mạng lưới.
"Năng lực khai thác (hashrate) hiện nay vẫn thấp hơn 42,1% so với cao điểm hồi tháng 5, trước khi lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực", nhà phân tích Jason Deane của công ty tư vấn Quantum Economics cho biết. Điều này có nghĩa là các thợ đào hiện nay vẫn thu được nhiều tiền hơn so với trước khi lệnh cấm được thực thi.
Trở lại hoạt động
Mạng lưới Bitcoin đã mất 54% hashrate khi các địa phương ở Trung Quốc ra lệnh cấm hoạt động đào tiền ảo. Năng lực khai thác giảm mạnh khiến thời gian xác thực giao dịch và tạo ra đồng Bitcoin mới tăng lên.
Thuật toán Bitcoin sau đó tự điều chỉnh để bảo đảm cứ 10 phút lại có một block Bitcoin được tạo ra. Mạng lưới khai thác Bitcon sau đó chứng kiến mức giảm độ khó kỷ lục đến 28% hồi tháng 7. Tính năng này là một phần thiết yếu trong kiến trúc mạng lưới Bitcoin.
"Không có thời gian chết trong mạng lưới Bitcoin. Khả năng tự điều chỉnh độ khó chính là phần thông minh nhất của nó", kỹ sư khai thác Bitcoin Brandon Arvanaghi nhận xét.
Đợt điều chỉnh độ khó cũng thể hiện rằng hashrate toàn cầu đã chạm đáy và đang hồi phục, khi nhiều thợ đào bắt đầu trở lại mạng lưới từ cuối tháng 6.
"Xu thế hashrate giờ đây chỉ có đi lên. Lần điều chỉnh tiếp theo sẽ cho thấy các thợ đào Bitcoin tăng cường năng lực và triển khai thêm nhiều hệ thống. Số lượng khổng lồ máy đào từ Trung Quốc đang cần nơi vận hành", Mike Colyer, CEO công ty tiền điện tử Foundry từng giúp đưa số máy đào trị giá 300 triệu USD vào Bắc Mỹ, cho biết.
Xây dựng lại mạng lưới Bitcoin
Nhiều máy đào đang xuất hiện trở lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. "Phần lớn thợ đào ở đó không thể chuyển đến Mỹ vì nhiều rào cản về đầu tư. Họ cũng không biết tiếng Anh và chưa từng rời khỏi tỉnh Tứ Xuyên. Kết quả là họ bán hết máy đào của mình, đang có nhiều hoạt động mua bán máy đào Bitcoin trên khắp thế giới", Alejandro de la Torre, phó chủ tịch công ty đào tiền ảo Poolin ở Singapore, cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều máy đào chuyên dụng (ASIC) cũng đang được các nhà sản xuất như Bitmain và Whatsminer tung ra thị trường. Chúng hoạt động hiệu quả hơn, với mức tiêu thụ điện năng tương đương nhưng năng lực xử lý tăng gấp đôi các dòng máy trước đó.
Nhiều chuyên gia cho rằng nhiều máy ASIC đời cũ sẽ không hoạt động trở lại, khiến mạng lưới Bitcoin hoạt động hiệu quả hơn và kích thích cạnh tranh giữa các mỏ đào. "Những đời máy mới có sức mạnh vượt trội, chúng ta có thể chứng kiến hashrate toàn cầu lập kỷ lục mới trong vòng 12 tháng tới", Whit Gibbs, CEO công ty cung cấp dịch vụ đào Bitcoin Compass, nhận định.
Nhà phân tích Deane cho biết nhiều máy đào đang được chuyển đến khách hàng, trong đó có những cá nhân và tổ chức đặt mua đến hàng chục nghìn máy ASIC. "Điều này có nghĩa là độ khó sẽ tăng đều đặn với biên độ khá lớn trong 12 tháng tới, có thể ở mức trên 10% mỗi tháng", ông cho hay.
Điệp Anh (Theo CNBC)