Theo Politico, khoản tiền trên được nêu trong đơn kiện của hai nhóm cổ đông Facebook là Hệ thống hưu trí cho nhân viên đảo Rhode và Hệ thống hưu trí của thành phố Warwick. Đơn kiện được gửi lên toà án Chancery tại bang Delaware năm ngoái, nhưng phải bổ sung tài liệu nhiều lần trước khi công bố ngày 21/9.
Theo nội dung đơn, tháng 2/2019, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã gửi cho các luật sư Facebook một bản thảo về đơn khiếu nại, trong đó nêu rằng cả công ty và cá nhân Mark Zuckerberg đều là bị đơn. FTC cũng tuyên bố rằng khoản tiền phạt nhằm vào cả hai "có thể là 106 triệu USD". Đây là khoản phạt sau khi mạng xã hội này không cảnh báo các nhà đầu tư về việc thu thập dữ liệu của Cambridge Analytica - vụ bê bối được xem là lớn nhất của Facebook.
Tuy nhiên, Facebook sau đó đã chi số tiền 4,9 tỷ USD, tức gấp 46 lần con số của FTC đưa ra, để tránh cho Mark Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg phải ra tòa hoặc phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đây cũng là khoản phạt kỷ lục mà FTC đã công bố hồi tháng 7/2019 và bị ví "như một trò đùa".
"Không có gì ngạc nhiên, Hội đồng quản trị Facebook chưa bao giờ nghiêm túc kiểm tra quyền hạn không kiểm soát của Zuckerberg", đơn kiện nêu. "Thay vào đó, họ hỗ trợ, bao che cho ông ta và lấy hàng tỷ USD từ kho tiền của Facebook để giúp ông ta biến mất trong bê bối".
Nhóm cổ đông cũng tố Zuckerberg và Sandberg từ chối phỏng vấn trước PwC - công ty được FTC thuê để đánh giá việc tuân thủ quyền riêng tư của Facebook từ năm 2012. "Zuckerberg, Sandberg và các giám đốc khác của Facebook đồng ý thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với FTC như một biện pháp bảo vệ Zuckerberg khỏi bị nêu tên trong đơn khiếu nại của cơ quan này", theo nội dung đơn kiện.
FTC và Facebook từ chối bình luận về thông tin trên.
Vụ bê bối Cambridge Analytica bắt đầu từ năm 2015, khi công ty này thu thập thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook mà họ không hề hay biết. Những dữ liệu này được cho là đã bị khai thác để phục vụ cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Scandal đã thúc đẩy nhận thức ngày càng tăng về quyền riêng tư trên mạng xã hội và khiến CEO Facebook phải điều trần nhiều lần trước Quốc hội nước này.
Như Phúc (theo Business Insider)