Tháng 12/2019, hàng chục nhân sự cấp cao của Facebook tập trung tại một khu nghỉ mát rộng gần 3.000 mét vuông của Zuckerberg ở Kauai, Hawaii (Mỹ) để bàn cách chuyển hướng công ty sau nhiều năm hứng chịu chỉ trích. Các thành viên chủ chốt đã tham gia để lắng nghe những thay đổi. Nhưng mọi thứ không như họ mong đợi.
Sau đó, Facebook thông báo hai giám đốc cấp cao rời công ty. Đồng thời, Drew Houston, 37 tuổi, CEO Dropbox và là bạn lâu năm của Zuckerberg, gia nhập hội đồng quản trị. Động thái này được đánh giá là "đỉnh cao chiến dịch" giúp CEO 35 tuổi có thêm cánh tay đắc lực để điều hành mạng xã hội.
Zuckerberg còn tham gia chỉ đạo các chiến dịch đối phó với đại dịch Covid-19 của Facebook, tạo cảm giác về một vị giám đốc điều hành có trách nhiệm và tích cực hơn trước.
Tuy nhiên, việc Zuckerberg củng cố quyền lực và vai trò tại Facebook không đồng nghĩa uy tín của mạng xã hội này sẽ được cải thiện về lâu dài. Hơn ba năm qua, công ty liên tục bị chỉ trích vì làm rò rỉ dữ liệu người dùng cũng như thất bại trong việc kiểm soát thông tin sai lệch.
Tháng 2/2017, Zuckerberg chia sẻ hình dung của ông về Facebook - nơi sẽ là cơ sở hạ tầng xã hội, góp phần chống lại các căn bệnh trên toàn cầu. Thế nhưng, tầm nhìn bị "hoen ố" bởi sự thao túng về tin tức của bên ngoài, đỉnh điểm là bê bối Cambridge Analytica khiến dữ liệu của hàng chục triệu người dùng bị lộ. Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ trong khi mạng xã hội này sau đó phải nộp phạt 5 tỷ USD.
Trước đây, Zuckerberg dựa vào Sheryl Sandberg, COO Facebook, trong việc xử lý các vấn đề chính sách và hoạt động, và Chris Cox, Giám đốc sản phẩm, để giám sát những thay đổi lớn nhất đối với nền tảng. Còn giờ ông nhận thấy phải đặt mình vào vị trí "nhà lãnh đạo thời chiến", cần hành động nhanh chóng và đôi khi là đơn phương.
Từ tháng 3/2019, CEO này nhấn mạnh công ty sẽ tập trung vào tin nhắn được mã hóa riêng tư thay vì công khai. "Trọng tâm mới sẽ làm cho Facebook giống như một phòng khách gia đình hơn là một quảng trường ở thị trấn", Zuckerberg phát biểu. Ông cũng hướng quyền lực mới của mình đến Instagram và WhatsApp, các bộ phân mà trước đó ông khẳng định sẽ hoạt động độc lập.
Tuy nhiên, ngay sau thông báo đó, Chris Cox, được coi là người kế vị tiềm năng của Zuckerberg, bất ngờ từ chức sau 13 năm làm việc tại công ty. Cox được cho là đã lo ngại việc Facebook mã hóa tin nhắn sẽ cản trở quá trình phát hiện hoạt động tội phạm như khủng bố và buôn bán trẻ em.
Tháng 4/2019, hai giám đốc của Facebook là Reed Hastings và Erskine Bowles cũng rời hội đồng quản trị. Sau khi ra đi, Bowles chỉ trích Facebook vì đã không nghe những lời khuyên về chính trị của ông.
Đến tháng 10 năm ngoái, một giám đốc khác là Susan Desmond-Hellmann cũng xin nghỉ. Ban đầu, bà nêu lý do "sức khỏe và gia đình", nhưng sau đó cho biết hội đồng quản trị Facebook đang hoạt động "không tốt".
Theo WSJ, sự ra đi của các giám đốc và những người có thâm niên trong hai năm qua cho thấy Zuckerberg đang tự mình điều hướng công ty, thay vì cần tới các cố vấn giúp ông phát hiện những cạm bẫy tiềm năng.
Tính từ đầu 2019 đến nay, số lãnh đạo cấp cao của Facebook giảm từ chín người xuống còn bốn người: Zuckerberg, Sandberg, Marc Andreessen và Peter Thiel. Tuy nhiên, CEO Facebook cũng đã tuyển thêm những người thân cận hơn. Hội đồng quản trị Facebook hiện có 11 thành viên và đang chờ một cuộc bỏ phiếu của cổ đông, dự kiến diễn ra trong tháng 5.
Bảo Lâm (theo WSJ)