Phiên điều trần từ xa của Mark Zuckerberg (Facebook), Jeff Bezos (Amazon), Tim Cook (Apple) và Sundar Pichai của Alphabet (công ty mẹ của Google) diễn ra từ 0h ngày 30/7 (giờ Việt Nam), trễ hơn một tiếng đồng hồ so với kế hoạch do trục trặc kỹ thuật.
Jeff Bezos lần đầu xuất hiện trước Quốc hội Mỹ
Trong bốn CEO phải điều trần, phiên chất vấn của Jeff Bezos được chờ đợi nhất vì ông chưa từng xuất hiện trước Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, sau bài phát biểu đầu tiên, tỷ phú giàu nhất thế giới bị "bỏ quên" tới gần hai giờ đồng hồ. Ông thảnh thơi ăn bánh và uống nước trong khi ba vị CEO còn lại liên tục bị chất vấn.
Khi được hỏi về cách Amazon định giá, mua lại các công ty nhỏ cũng như cách sử dụng dữ liệu của các đại lý độc lập trên nền tảng của hãng, Jeff Bezos đã có những câu trả lời sắc bén, theo CNN.
Bezos thừa nhận công ty có chính sách cấm sử dụng dữ liệu của đại lý bên thứ ba để phát triển sản phẩm cạnh tranh của riêng mình. Nhưng ông thừa nhận: "Tôi không thể đảm bảo chính sách đó chưa bao giờ bị vi phạm". Thi thoảng, CEO Amazon nói ông không thể trả lời câu hỏi hoặc không thể nhớ rõ vấn đề cụ thể mà ông đang bị chất vấn.
Amazon cho phép khai thác dữ liệu chung về bán hàng, ngành hàng nhưng cấm sử dụng dữ liệu riêng của các nhà bán lẻ cụ thể. Tuy nhiên, các nhà hoạt động về chống độc quyền cho rằng công ty vẫn "lén lút" thu thập và phân tích dữ liệu như vậy. Ví dụ, Amazon hoàn toàn có thể khai thác dữ liệu chi tiết về doanh số, hành vi mua sắm của người dùng với các sản phẩm của Google trên nền tảng của mình để đưa ra hướng cạnh tranh phù hợp với các dòng sản phẩm tương tự của hãng.
Facebook bị 'xoay vì thương vụ mua lại Instagram
Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg đối mặt với các bằng chứng là email nội bộ ông gửi vào năm 2012 về động cơ mua lại ứng dụng ảnh Instagram. Những email này được Ủy ban Tư pháp Hạ viện thu thập và là một phần tài liệu hợp pháp của cuộc điều tra chống độc quyền.
Trong một email, Zuckerberg nói Instagram có thể "gây rắc rối" cho Facebook. Một email khác từ Giám đốc tài chính của Facebook gợi ý mua lại để vô hiệu hóa một đối thủ cạnh tranh tiềm năng và được Zuckerberg trả lời rằng đó là "một phần của động lực".
Hạ nghị sĩ Jerry Nadler nói, các email cho thấy Facebook rõ ràng xem Instagram là một mối đe dọa. Thay vì cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ, Facebook mua lại luôn đối thủ. Đáp lại, CEO Facebook không phủ nhận ông coi Instagram là mối đe dọa nhưng nhắc lại rằng thỏa thuận mua bán này đã được Ủy ban Thương mại Liên bang phê duyệt vào thời điểm đó.
CEO Apple: Thu hút nhà phát triển như 'một cuộc chiến đường phố'
CEO Apple Tim Cook liên tục bị đặt câu hỏi về chính sách độc quyền với kho App Store. Công ty thu phí từ 15% đến 30% doanh thu ứng dụng nếu nhà phát triển muốn kinh doanh trên App Store. Các dịch vụ xem như Netflix, Spotify bắt buộc phải "lách luật" bằng cách cho người dùng đăng ký gói nội dung thông qua trang web riêng thay vì thực hiện bằng tài khoản Apple.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Apple lại miễn phí "bảo kê" này cho các ứng dụng như Amazon Prime. Khi được hỏi về sự phân biệt đối xử, Tim Cook nói các ứng dụng khác cũng sẽ được như vậy nếu "đáp ứng các điều kiện", nhưng lại không công bố điều kiện này là gì.
Người đứng đầu Apple khẳng định hãng đối xử với các nhà phát triển như nhau và các ứng dụng dù lớn hay nhỏ đều được kiểm tra kỹ càng. "Sự cạnh tranh để thu hút các nhà phát triển cũng tương tự cạnh tranh để thu hút khách hàng, nó giống như một cuộc chiến đường phố vì thị trường", Cook nói.
Google nhận cả câu hỏi đơn giản về kỹ thuật
Gregory Steube, nghị sĩ từ Florida, đưa ra ví dụ về một sự thiên vị có chủ đích của Google nhưng thực tế lại chỉ là một vấn đền kỹ thuật đơn giản, theo CNN. Steube cho biết các email về chiến dịch quốc hội của ông tới những người ủng hộ, bao gồm cả cha mẹ ông, thường bị chặn hoặc gửi vào thư mục rác của Gmail.
"Không có gì trong thuật toán có liên quan đến chính trị cả", Pichai nói và cho rằng nó đơn giản là việc hệ thống hiểu nhầm là hành động gửi thư rác.
Tuy nhiên, Google cũng đối mặt cáo buộc khác về chống độc quyền trong quảng cáo. Nghĩ sĩ Cicilline cho biết Uỷ ban đã thu thập các email nội bộ của nhân viên Google và thực hiện phỏng vấn với những doanh nghiệp nhỏ hơn. Họ nhận thấy hãng này đã sử dụng công cụ theo dõi lưu lượng truy cập web để xác định những đối thủ tiềm năng, hạ thứ hạng trên kết quả tìm kiếm trong khi ưu tiên hiển thị website và sản phẩm của chính mình.
Pichai không trực tiếp phủ nhận cáo buộc và chỉ giải thích họ "cố gắng hiểu các xu hướng dựa trên dữ liệu và khai thác nó để cải tiến sản phẩm phục vụ người dùng".
CEO của Google trong bài phát biểu đầu phiên chất vấn cũng nói công ty đã tạo ra một nền tảng cạnh tranh với mức giá thấp hơn cho các nhà quảng cáo. Ông nhấn mạnh những đóng góp của Google đối với nước Mỹ: hơn 75.000 nhân viên đang làm việc tại 26 bang, mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển tính đến cuối năm 2019 đạt 26 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với con số 2,8 tỷ USD của 10 năm trước đó.
Bộ tứ CEO công nghệ nhấn mạnh 'lòng yêu nước'
Trong các phần trả lời, cả bốn CEO công nghệ đều tìm cách "lái" câu chuyện sang việc công ty của họ là của nước Mỹ và làm việc vì lợi ích của Mỹ. "Chúng tôi cần công nhân Mỹ để có thể tạo ra các sản phẩm cho khách hàng Mỹ", Jeff Bezos nói trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn.
"Apple là một công ty độc đáo của Mỹ, thành công chỉ có thể đạt được ở đất nước này", Tim Cook nói và khẳng định đã tạo ra rất nhiều việc làm cho người dân Mỹ.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc về quyền lực công nghệ cũng trở thành một phần lập luận của Mark Zuckerberg. "Nếu bạn nhìn vào trụ sở của các công ty công nghệ hàng đầu, một thập kỷ trước, đại đa số là của Mỹ", CEO Facebook nói và cho rằng thời thế đã thay đổi khi hiện tại, gần một nửa là sự góp mặt của các công ty Trung Quốc.
Tuấn Hưng