Theo dự báo của IDC, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ "bình thường và cân bằng" vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, lĩnh vực này "tiềm ẩn khả năng dư thừa công suất vào 2023, khi việc mở rộng công suất quy mô lớn hơn bắt đầu cuối năm sau".
Báo cáo cho biết, năng lực sản xuất chip sẽ đạt đỉnh trong năm nay. "Các xưởng sản xuất chip chuyên dụng đã được phân bổ cho phần còn lại của năm, với công suất sử dụng gần đạt 100%", IDC lưu ý.
Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt chip vẫn diễn ra ở một số lĩnh vực, nhất là ở mảng thiết bị đầu cuối, do nguồn nguyên liệu hạn chế. IDC bỏ ngỏ khả năng tình trạng thiếu nguyên liệu có giảm bớt vào năm 2023 hay không.
Riêng năm nay, chi phí sản xuất chip được dự báo tăng do giá tấm wafer silicon (thành phần quan trọng để đúc chip) trong 6 tháng đầu năm cao hơn năm ngoái và sẽ tiếp diễn vào nửa cuối năm.
Trong khi đó, việc thiếu chip cho ôtô sẽ "giảm nhẹ vào cuối năm" và đạt tăng trưởng 22,8%. Doanh thu mảng bán dẫn cho máy chủ x86 cũng tăng 24,6%, chip cho laptop tăng 11,8%. Riêng mảng chip 5G tăng mạnh 128% so với năm ngoái nhờ sự bùng nổ của thị trường smartphone.
Theo dự đoán của IDC, thị trường bán dẫn sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 là 5,3% mỗi năm, cao hơn mức 3 - 4% trước đó.
Tình trạng thiếu chip vẫn đang ảnh hưởng sâu rộng. Theo Business Insider, từ ngành công nghiệp ôtô cho đến điện tử tiêu dùng đều bị tác động vì nguồn cung chip hạn chế nhiều tháng qua. Các công ty rơi vào thế bị động, trong khi chiến lược ngắn hạn chỉ có thể giúp giải quyết việc tăng năng lực sản xuất tạm thời. Vấn đề khan hiếm còn khiến nhiều công ty đối mặt nguy cơ mua phải chip giả, chip kém chất lượng.
Bảo Lâm