Theo Business Insider, từ ngành công nghiệp ôtô đến điện tử tiêu dùng, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi nguồn cung chip hạn chế nhiều tháng qua. Ngoài ra, chi phí đĩa bán dẫn (thành phần quan trọng để đúc chip) tăng cao khiến một số công ty bắt đầu chuyển đổi mô hình sản xuất.
Richard Barnett, Giám đốc tiếp thị của công ty phân tích ngành công nghiệp điện tử Supplyframe, cho rằng các hãng sẽ cố gắng giảm nhu cầu đĩa bán dẫn bằng cách thiết kế lại chip. "Nhưng nhìn chung, không có động thái nào là đủ để tránh hoàn toàn tác động của việc thiếu chip và nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tất cả", ông nói.
Các công ty bị ảnh hưởng hiện rơi vào thế bị động và không có đủ phương tiện để đối phó. Các chiến lược ngắn hạn chỉ có thể giúp giải quyết việc tăng năng lực sản xuất tạm thời. Barnett cho rằng để các kế hoạch dài hơi có kết quả, thế giới sẽ phải sống chung với tình trạng khan hiếm chip tới năm 2023.
Dịch bệnh kéo dài khiến nhu cầu người dùng với các sản phẩm điện tử tăng mạnh. Việc ra mắt nhiều model sản phẩm mới cùng lúc như với các hãng lớn như Apple, Xiaomi, Samsung làm tăng thêm sự biến động về nhu cầu. Khi nguồn cung hạn chế, TSMC hay Intel và các xưởng đúc chip khác phải ưu tiên nên cung cấp cho khách hàng nào trước. Trong những trường hợp như vậy, Samsung, Apple thường là bên giành chiến thắng.
Đầu năm nay, Susquehanna Financial Group cũng phản ánh tình trạng có những công ty phải chờ tới 18 tuần để nhận được đơn đặt hàng chip xử lý của mình. Đây là quãng thời gian dài nhất kể từ khi công ty về công nghệ tài chính này bắt đầu theo dõi dữ liệu trong ngành năm 2017.
Hoài Anh