Theo Nikkei Asia, Google dự kiến tung ra mẫu CPU cho các thiết bị chạy hệ điều hành Chrome OS vào năm 2023. Động thái này cho thấy xu hướng các hãng công nghệ lớn đang tự đầu tư phát triển chip để tạo sự khác biệt và tránh phụ thuộc vào bên thứ ba.
Đầu tháng 8, Google cũng tuyên bố đang tăng cường nghiên cứu, chế tạo chip di động cho smartphone Pixel và các thiết bị khác. Pixel 6 sẽ là dòng điện thoại đầu tiên của hãng này dùng chip nội bộ. Các CPU và bộ xử lý di động của Google được phát triển dựa trên thiết kế chip của ARM.
Việc Google thiết kế vi xử lý diễn ra trong bối cảnh các đối thủ khác cũng theo đuổi chiến lược tương tự. Amazon, Facebook, Microsoft, Tesla, Baidu, Alibaba đều đang nghiên cứu chế tạo chất bán dẫn của riêng mình để cung cấp năng lượng cho các dịch vụ đám mây và sản phẩm điện tử.
Giới công nghệ cho rằng Google đang đi theo con đường của Apple trong việc chủ động nguồn chip. Dưới thời Tim Cook, Apple đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển những thành phần bán dẫn quan trọng cho iPhone, cũng như thay thế chip Intel trên máy tính xách tay bằng chip M1 tự sản xuất.
Bên cạnh đó, Google cũng đặt nhiều hy vọng vào dòng điện thoại Pixel 6 và yêu cầu các nhà cung cấp chuẩn bị tăng cường sản xuất gấp 1,5 lần cho thiết bị này so với mức trước đại dịch cách đây hai năm. Theo công ty nghiên cứu IDC, Google xuất xưởng hơn 7 triệu điện thoại Pixel năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, chỉ có 3,7 triệu điện thoại được bán ra.
Trong cuộc họp với nhà cung cấp, Google cho biết họ nhận thấy cơ hội phát triển lớn trên thị trường toàn cầu vì là nhà sản xuất smartphone duy nhất của Mỹ có thiết bị cầm tay sử dụng hệ điều hành Android.
Các chuyên gia cho rằng chiến lược chip của Google là bước đi hợp lý nhưng vẫn còn nhiều thách thức. "Nhiều gã khổng lồ công nghệ đang tham gia vào hàng ngũ tự chế tạo chip để có thể chủ động phát triển các tính năng riêng, tương thích với chip", Eric Tseng, người đứng đầu bộ phận phân tích của Isaiah Research, đánh giá.
Ông Tseng cũng cho rằng thông qua việc tự làm chip, các công ty công nghệ có thể điều chỉnh lượng công việc nghiên cứu và phát triển mà không bị giới hạn bởi các nhà cung cấp, cũng như đưa ra dịch vụ hoặc công nghệ độc đáo hơn. "Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, việc dùng chip của riêng mình đồng nghĩa với việc kết hợp tốt hơn giữa phần mềm và phần cứng", Tseng nói.
Thách thức ở đây là sự đòi hỏi đầu tư lớn và cam kết dài hạn. Ngoài ra, các công ty mới đặt chân vào lĩnh vực này cũng phải cạnh tranh, tăng cường năng lực sản xuất so với các tên tuổi hàng đầu như Intel, Nvidia, Qualcomm.
Peter Hanbury, đối tác của công ty tư vấn Bain & Co, cho biết chi phí thiết kế một chip 5nm tiên tiến là khoảng 500 triệu USD, còn việc phát triển một chip sử dụng công nghệ sản xuất cũ hơn, như 28nm, chỉ tốn khoảng 50 triệu USD.
"Rất ít công ty có kỹ thuật hoặc nguồn tài chính đủ để tự thiết kế chip. Những bên tham gia vào lĩnh vực này đa số là 'ông lớn' công nghệ. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây hoặc sở hữu ứng dụng được hưởng lợi rất nhiều từ nguồn chip nội bộ", Hanbury nói.
Từ 2016, Google bắt đầu xây dựng các đơn vị xử lý tensor (TPU) silicon để hỗ trợ xử lý công việc tính toán bằng AI cho trung tâm dữ liệu của các máy chủ đám mây. Công ty đã ra mắt thế hệ TPU thứ tư vào tháng 5. Google cũng đang tuyển dụng các kỹ sư chip từ Israel, Ấn Độ, Đài Loan và tại Mỹ.
Hiện hầu hết các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, như Samsung, Xiaomi, Oppo và Vivo, đều sử dụng hệ điều hành Android của Google. Hãng cũng đã cấp phép hệ điều hành Chrome OS cho HP, Dell, Acer, AsusTek, Lenovo và Samsung để xây dựng Chromebook - máy tính xách tay nhắm đến thị trường giáo dục.
Theo dữ liệu của IDC, từ năm 2017 đến nay, khi Google ra mắt Pixelbook và Pixel Slate - máy tính xách tay và máy tính bảng chạy Chrome OS, lượng thiết bị xuất xưởng hàng năm chưa đến nửa triệu chiếc. Trong khi đó, các lô hàng Chromebook trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi vào năm ngoái nhờ nhiều nơi tăng cường học trực tuyến do đại dịch. Các lô hàng tiếp tục tăng trong nửa đầu năm nay, nhưng đến tháng 7 có phần chững lại.
Mỹ Quyên (theo Nikkei Asia)