Đến chiều 27/5, tổng lượt tải Bluezone đạt 33,49 triệu lượt, tăng 142 nghìn lượt so với một ngày trước đó, theo số liệu từ Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông). So với cuối tháng 4, khi dịch Covid-19 mới bùng phát trở lại, lượng tải Bluezone tăng khoảng 3 triệu lượt. Trung bình mỗi ngày có thêm 100 nghìn lượt tải. Trong ba ngày gần đây, mỗi ngày số lượt tải Bluezone tăng khoảng 150 nghìn.
Trên các kho ứng dụng cho iOS và Android, ứng dụng Bluezone cũng liên tục tăng thứ hạng. Hiện ứng dụng này đứng Top 2 trong số các ứng dụng được tải về nhiều nhất Việt Nam, trên cả hai nền tảng di động.
Bắc Ninh và Bắc Giang là những tỉnh có số lượt tải Bluezone tăng mạnh. Trong 10 ngày gần đây, số lượt tải Bluezone tại Bắc Giang tăng từ 384.452 lên 433.001. Tỷ lệ người dùng Bluezone trên dân số tại tỉnh này đạt 21,31%, đứng thứ 9 cả nước, tăng ba bậc so với ngày 18/5.
Tại Bắc Ninh, số lượt tải hiện tại đạt 447 nghìn lượt, chiếm 32,66% dân số, xếp thứ 5 cả nước. Đà Nẵng, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh là năm tỉnh thành có tỷ lệ người tải Bluezone cao nhất.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ người tải về đều sử dụng. Trong hơn 33 triệu lượt tải từ trước đến nay, có 20,79 triệu người đăng ký số điện thoại. Số lượng thiết bị có Bluezone đang hoạt động thực chỉ chiếm khoảng một phần ba.
Từ một ứng dụng truy vết Covid-19, Bluezone đã được bổ sung nhiều tiện ích, như khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa, quét mã check-in, cập nhật tin tức dịch bệnh. Đây là ứng dụng do Việt Nam phát triển, ứng dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp, để phát hiện tiếp xúc giữa hai người sử dụng smartphone.
Dữ liệu lịch sử tiếp xúc Bluezone được lưu trên điện thoại của người dùng và chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý. Cục Tin học hóa khẳng định Bluezone không lưu vị trí địa điểm, không sử dụng hoặc truy cập đến các thông tin khác trên điện thoại di động của người dùng. Trong các đợt dịch tại Hà Nội, Đà Nẵng trước đây, Bluezone đã giúp phát hiện thêm hàng trăm F1, F2 so với phương thức truy vết thủ công.
Mới đây, Cục Tin học hóa cũng đã có văn bản đề xuất áp dụng vòng đeo tay chuyên dụng, nhằm hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly. Vòng đeo tay này sẽ được phát triển bởi doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng công nghệ GPS để ghi nhận đia điểm. Pin sử dụng 30 ngày và có thể gửi cảnh báo nếu phát hiện người đeo ra khỏi khu vực cách ly hoặc cố tình phá thiết bị.
Lưu Quý