Đại diện Cục tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết đại diện Bộ đã có văn bản đề xuất gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, đề xuất áp dụng vòng đeo tay chuyên dụng nhằm hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly.
Vòng đeo tay này sẽ được phát triển bởi doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng công nghệ GPS để ghi nhận đia điểm. Pin có thời gian sử dụng 30 ngày, có thể gửi cảnh báo nếu phát hiện người đeo đã ra khỏi khu vực cách ly hoặc cố tình phá vòng. Mức giá sản xuất dự kiến là 35 USD (khoảng 800 nghìn đồng).
Việc dùng vòng tay để hỗ trợ giám sát người cách ly đã được Hàn Quốc, Hong Kong và một số nơi trên thế giới áp dụng. Ở Hong Kong, từ 19/3, tất cả khách nhập cảnh sẽ được gắn một vòng tay có định vị. Vòng tay sẽ được kết nối với một ứng dụng trên smartphone giúp chính quyền kiểm soát việc tự cách ly tại nhà. Khoảng 60.000 vòng đeo tay điện tử đã được phát cho người nhập cảnh vào Hong Kong.
Một năm trước đó, chính phủ Hàn Quốc cũng đã áp dụng biện pháp bắt buộc đeo vòng tay điện tử với những cá nhân vi phạm các quy tắc tự cách ly, như đi ra ngoài mà không báo trước, không trả lời các cuộc gọi điện thoại kiểm tra sức khỏe.
Việc áp dụng vòng tay điện tử để hỗ trợ giám sát người cách ly và truy vết Covid-19 được giới chuyên gia đánh giá cao về tính khả thi và độ hiểu quả. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng. Đổi lại, thay vì phải cách ly tập trung, các ca nghi nhiễm hoặc người nước ngoài nhập cảnh có thể đăng ký tự cách ly tại nhà, cơ quan y tế có thể dễ dàng giám sát việc tự cách ly thông qua ứng dụng di động.
Hiện tại Việt Nam đang áp dụng một số hình thức truy vết phổ biến, như khai báo y tế tự nguyện hoặc dùng sóng Bluetooth năng lượng thấp thông qua ứng dụng Bluezone. Người dân có thể khai báo trên ứng dụng, gọi điện đến đường dây nóng hoặc dùng tờ khai y tế bằng giấy.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp các ca lây nhiễm vẫn còn thấp, những phương pháp cũ vẫn phát huy tác dụng. Nhưng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, một số phương pháp như chủ động giám sát bằng vòng tay điện tử sẽ giúp kiểm soát tốt hơn việc tự cách ly và hạn chế lây nhiễm chéo.
Theo Thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc: "Trong một khảo sát do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước này thực hiện, trên 1.000 người trưởng thành, có 80,2% người dân ủng hộ ý tưởng sử dụng vòng tay điện tử để theo dõi việc cách ly".
Một số du khách nhập cảnh vào Hong Kong cho biết, ban đầu họ cảm thấy không thoả mái với việc đeo vòng tay và tự cách ly tại nhà, nhưng khi đã quen, họ thấy phương pháp này tối ưu và thoải mái hơn so với việc phải cách ly tập trung.
Khương Nha