Theo Thepaper, số liệu từ Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc và công ty chuyên theo dõi đăng ký nhãn hiệu Tianyancha cho thấy, số lượng đăng ký sáng chế về metaverse đã vượt 16.000 đơn, gần gấp đôi mức 8.534 đơn được ghi nhận cách đây hai tháng.
Dù hàng loạt hồ sơ đăng ký sáng chế liên quan đến khái niệm metaverse được gửi lên, các cơ quan quản lý hiện chỉ chấp thuận một số đơn. Nhà chức trách cũng cảnh báo doanh nghiệp không nên lạm dụng quy trình đăng ký nhãn hiệu, đồng thời khẳng định sẽ từ chối những nội dung nhằm mục đích thổi phồng khái niệm hơn là ứng dụng thực tế.
Ngày 21/2, Hiệp hội Truyền thông và Di động Trung Quốc - tổ chức được nhà nước hậu thuẫn gồm hơn 100 doanh nghiệp thành viên - khuyến cáo các ngành công nghệ cần ngăn tình trạng đầu cơ và bong bóng thị trường. "Những hoạt động tài chính bất hợp pháp, như các dự án đầu tư metaverse giả mạo và phát hành tiền ảo metaverse, phải được ngăn chặn", website của hiệp hội có đoạn.
Vũ trụ ảo metaverse được đánh giá là bước phát triển tiếp theo của công nghệ, nơi mọi người có thể gặp gỡ, làm việc và giải trí trực tuyến thông qua một môi trường giả lập và dùng các thiết bị VR, AR để trải nghiệm. Morgan Stanley hồi giữa tháng 2 đánh giá thị trường metaverse của Trung Quốc ước đạt 52.000 tỷ nhân dân tệ (8.000 tỷ USD) những năm tới. Các công ty Internet như Tencent, NetEase, ByteDance và Alibaba đang chạy đua vào lĩnh vực này.
Theo nền tảng theo dõi đăng ký kinh doanh Qichacha, vào tháng 9 năm ngoái, Alibaba đã nộp 31 đơn đăng ký nhãn hiệu metaverse thông qua công ty con ở Singapore. ByteDancecũng cũng nộp 6 đơn về metaverse vào tháng 10/2021, còn Tencent nộp 99 đơn.
Theo SCMP, các nhà chức trách Trung Quốc đã từ chối một số đơn đăng ký về metaverse gần đây từ các công ty lớn như hãng game NetEase, nhà cung cấp video trực tuyến iQiyi của Baidu. Số liệu từ Tianyancha tính đến 22/2 cho thấy, có 163 đơn bị từ chối và đang trải qua quá trình xem xét lần hai. Dù vậy, quá trình này có thể kéo dài 6-8 tháng.
Bảo Lâm (theo SCMP)