Longwood, 35 tuổi, hiện sống ở Houston (Mỹ). Với vai trò chuyên gia thu âm, ông dành hàng giờ qua Zoom và trao đổi qua email với các nghệ sĩ trên toàn cầu để chuẩn bị phát hành một album mới. Tuy nhiên, ông mong có thể gặp gỡ họ, cùng ngồi trong phòng thu ảo để chỉnh sửa các bản nhạc theo thời gian thực.
"Tôi đã nhìn thấy tương lai, nơi khách hàng có thể mang kính thực tế ảo và ngồi đối mặt, như thể họ đang ở trong phòng thu với tôi", Longwood nói. "Chúng tôi có thể trao đổi qua lại, không phải thay phiên nhau nói như trên Zoom".
Những người như Longwood mong đợi cách làm việc mới trong môi trường ảo, gọi là metaverse. Nơi đó, mỗi người tham gia sẽ như ở trong cùng một phòng dù họ đang ở bất cứ đâu, trao đổi thông qua hình đại diện, kết hợp công cụ chuyên dụng trên tay để thao tác với các phiên bản ảo của phấn, bút, máy móc, vải...
Trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh, nhiều công ty đã thực hiện việc họp trực tuyến. Nhưng với metaverse, giới chuyên gia kỳ vọng nó còn thay đổi hoàn toàn cách làm việc từ xa, thậm chí tạo nên những công việc mới. Hiện tại, metaverse vẫn ở giai đoạn đầu, phần cứng đắt đỏ và cồng kềnh, nhưng hứa hẹn mở ra nhiều tiềm năng lớn về tương tác trong công việc.
"Metaverse sẽ có tính chất tiến hóa hơn là mang tính cách mạng", John Egan, CEO công ty dự đoán thị trường L'Atelier BNP Paribas (Pháp), nhận xét. "Năng lực sản xuất sẽ được mở rộng đáng kể, giống như cách máy tính và điện thoại di động tạo ra mức năng suất và độ phức tạp cao hơn".
Linh động trong công việc
"Bạn sẽ gặp gỡ đồng nghiệp hoặc đối tác lập tức dù đang ở đâu, như thể đang dùng phép dịch chuyển tức", Florent Crivello, người sáng lập và CEO công ty cung cấp văn phòng ảo Teamflow, nói.
Theo ông, những cuộc họp như vậy sẽ vượt xa Zoom, cho phép người tham gia thiết kế đồ chơi, đồ nội thất hoặc tòa nhà bằng các công cụ 3D. Với thời gian trống, họ có thể chơi game hoặc trao đổi riêng. "Dù cuộc gọi trực tuyến kiểu cũ vẫn làm được, nhưng tập trung trong thế giới ảo mang lại trải nghiệm hấp dẫn hơn", một chuyên gia ủng hộ metaverse cho biết.
Tolga Kurtoglu, Giám đốc công nghệ của HP, lấy ví dụ việc thử nghiệm cách các phương tiện xử lý va chạm trước khi chúng được sản xuất trong metaverse sẽ đẩy nhanh đáng kể quá trình phát triển sản phẩm. Jeremy Bailenson của Đại học Stanford cũng cho rằng môi trường ảo tiết kiệm chi phí, nhất là với các thử nghiệm đòi hỏi xử lý thiết bị nguy hiểm hoặc đắt tiền.
Tạo ra công việc mới
Khi Internet xuất hiện, hầu hết doanh nghiệp bắt đầu thích ứng bằng cách hiện diện trên môi trường này nhiều hơn. Một số dự báo cho biết, xu hướng tương tự có thể diễn ra trong metaverse: cửa hàng ảo, địa điểm giải trí ảo và những hình thức tương tự có thể xuất hiện, khách hàng chỉ cần ở nhà và mua sắm với kính VR.
Một số công việc chưa từng tồn tại có thể ra đời. "Trước khi có Internet, liệu bạn có nghĩ sẽ có những KOL xuất hiện trên mạng xã hội và kiếm sống từ đó không?", ông Kurtoglu nói. "Với metaverse, có khả năng một danh mục công việc mới sẽ bắt đầu hình thành".
Các công việc hiện nay cũng chuyển hướng để thích nghi ở mức nhất định. Ví dụ, đại lý bất động sản có thể cho khách hàng xem phiên bản ảo của khu đất hoặc căn nhà trước khi mua, hay hướng dẫn viên du lịch sẽ cung cấp phiên bản ảo của vùng đất, khách sạn, căn phòng... khách hàng sắp ghé thăm.
Theo Egan, môi trường còn có thể "hồi sinh" những người đã chết từ những dữ liệu khi còn sống của họ, tạo bot tương tác với người còn sống. "Giờ đây, trong môi trường ảo, bạn có thể trải nghiệm bài giảng của Albert Einstein, một buổi hòa nhạc của Elvis hoặc một bài thơ của Maya Angelou và nhìn thấy họ trước mắt", Egan hình dung.
Ngoài ra, metaverse có thể được dùng để phỏng vấn ảo, đào tạo nhân viên từ xa... "Sự khác biệt lớn nhất khi thực hiện công việc hoặc đào tạo qua metaverse là quá trình sẽ được rút ngắn 10 lần so với khi thực hiện qua video trực tuyến", Crivello nhận xét.
Câu hỏi về quyền riêng tư
Đi kèm với những tiện ích, một số chuyên gia lo ngại metaverse có thể cung cấp cho các tổ chức, công ty một công cụ "mạnh mẽ theo cấp số nhân" để giám sát nhân viên.
"Sếp của bạn có thể thấy bạn đảo mắt, mất tập trung trong cuộc họp nếu tính năng theo dõi bằng mắt được bật trên kính VR. Các biểu hiện đó đều bị ghi vào nhật ký", Kurt Opsahl, cố vấn nhóm giám sát quyền riêng tư Electronic Frontier Foundation, nói. "Nếu kết hợp với dữ liệu nhiệt độ cơ thể hoặc nhịp tim từ smartwatch, ông chủ của bạn có thể suy ra trạng thái cảm xúc hiện tại".
Brian Kropp, trưởng bộ phận nghiên cứu nguồn nhân lực tại Gartner, cho rằng các ông chủ sẽ can thiệp sâu hơn vào trạng thái cảm xúc nhân viên - điều mà các cuộc họp thông thường hoặc họp qua video trực tuyến chưa làm được. "Trong cuộc họp truyền thống, nhà quản lý sẽ quan sát và đưa ra nhận xét với nhân viên. Nhưng trong metaverse, công nghệ sẽ thực hiện việc theo dõi và thông báo cho ông chủ", Kropp nói.
Theo Opsahl, mặt tích cực của công nghệ là có thể giúp nhà quản lý xác định nhân viên nào tập trung, nhân viên nào lơ đễnh, từ đó có thể đánh giá hiệu quả công việc. Dù vậy, một số dữ liệu thu thập có thể sai, như một người không chú ý trong cuộc họp là do đang tập trung xử lý công việc của công ty.
Bảo Lâm (theo WSJ)