Theo Forbes, từ lâu các game thủ đã hình thành văn hóa mua quần áo, phụ kiện để thiết lập danh tính ảo của họ. Nhiều dấu hiệu cho thấy người tham gia metaverse cũng sẽ làm như vậy. Các công ty thời trang, công nghệ đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để bán các phiên bản ảo của sản phẩm ngoài đời thật cho người dùng trong vũ trụ ảo.
D&G đã bán bộ sưu tập "Collezione Genesi" gồm 9 món đồ NFT trên sàn UNXD với giá 5,7 triệu USD. Trong khi đó Gucci bán một chiếc túi NFT với giá hơn 4.000 USD trên Roblox. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho rằng thị trường hàng xa xỉ ảo có thể lên tới 50 tỷ USD vào năm 2030.
Trong biên giới mới của metaverse, người dùng có thể truy cập thế giới ảo thông qua các thiết bị và nền tảng khác nhau. Khi đó, hình ảnh đại diện (avatar) đóng vai trò quan trọng. Nhiều người sẵn sàng trả những khoản tiền lớn để làm đẹp cho hình ảnh đại diện của họ với những món hàng xa xỉ.
"Những ảnh đại diện như thế trong metaverse sẽ phổ biến như avatar trên mạng xã hội ngày nay. Nhưng thay vì ảnh tĩnh, chúng sẽ là ảnh dưới dạng 3D. Chúng sống động, có biểu cảm và cho phép tương tác với cử chỉ. Tất cả sẽ trở nên phong phú hơn nhiều so với bất kỳ thứ gì có thể trực tuyến bây giờ", Forbes dẫn lời Mark Zuckerberg - CEO Meta. Ông hy vọng thị trường ngách này sẽ lớn dần lên trong metaverse.
Zuckerberg cho rằng người dùng có thể sử dụng một ảnh đại diện thực tế cho công việc, một hình khác để đi chơi với bạn bè thậm chí để chơi game trong vũ trụ ảo. Mỗi người khi đó sẽ có một tủ quần áo ảo cho những dịp khác nhau, được thiết kế bởi các nhà sáng tạo từ nhiều ứng dụng và trải nghiệm khác nhau.
Theo Bloomberg, để kiếm được hàng triệu USD trong metaverse, hầu hết nhãn hàng xa xỉ sẽ phát hành các món đồ với số lượng giới hạn. Người mua chúng nhận được một mã thông báo không thể thay thế (NFT). Đây là chứng chỉ quyền sở hữu ảo được ghi nhận trên blockchain. Khi đó chỉ một thương hiệu hoặc sản phẩm duy nhất xuất hiện tại một thời điểm.
Với chứng nhận NFT này, người dùng cũng có thể mang các vật phẩm như quần áo, phụ kiện và đồ trang trí nhà từ nền tảng này sang nền tảng khác (ví dụ từ thế giới trò chơi của Fortnite đến vũ trụ của Meta). Thông qua hình ảnh đại diện và các NFT trang trí, người dùng có thể "khoe" trang phục của mình với hàng chục nghìn người dùng đang tương tác trong vũ trụ ảo.
Bloomberg cho rằng, với thế hệ thanh niên lớn lên với các trò chơi điện tử, việc đầu tư vào ngoại hình kỹ thuật số mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc phát hành NFT trong metaverse mới manh nha nhưng nhiều công ty công nghệ lẫn công ty truyền thống đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của nó.
Gala Vrbanic, một game thủ và là người sáng lập nền tảng Tribute Brand - chuyên bán thời trang kỹ thuật số có thể chia sẻ trên mạng xã hội, nói với Bloomberg: "Trong tương lai, tất cả những dấu ấn thời trang sẽ xảy ra trong thế giới kỹ thuật số". Theo các chuyên gia, có một lý do khác khiến các nhãn hàng đón nhận NFT là do công nghệ này có thể giải quyết được bài toán đau đầu trong nhiều năm: hàng nhái.
"Công nghệ NFT đảm bảo tính xác thực, không khuyến khích hàng nhái. Thông thường, nếu một thứ gì đó được bán lại trên một trang web, Hermès không kiếm được xu nào từ đó. Nhưng với mặt hàng kỹ thuật số, có cơ hội lớn để tiếp tục tăng doanh thu khi chúng được mua đi bán lại", nhà tư vấn về quyền sở hữu trí tuệ Cathy Hackl nói với Bloomberg.
Theo Hackl, tất cả những gì người dùng cần là tạo một NFT với các yêu cầu về bản quyền hoặc chia sẻ doanh thu trong các giao dịch tương lai. Việc còn lại công nghệ blockchain sẽ tự giải quyết mà không cần nhiều sự can thiệp của con người. Ngoài ra NFT còn giải quyết được vấn đề cung vượt cầu với các thương hiệu xa xỉ.
Khương Nha tổng hợp