Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết đối tượng chủng ngừa chính là trẻ dưới 15 tuổi, sinh viên và người trẻ đi làm, nhóm trên 50 tuổi... Tỷ lệ trẻ em nam, nam giới tiêm vaccine tăng cao so với nữ.
Các năm trước hệ thống đã ghi nhận các trường hợp tiêm chủng do bị mèo cắn, cào, song số lượng không nhiều. Hai tháng đầu năm 2024, số lượng chủng ngừa dại nói chung (dự phòng và phơi nhiễm) đã tăng gấp 3 so với cùng kỳ các năm trước.
Bác sĩ Phong giải thích người dân đã nâng cao ý thức hơn trong phòng ngừa bệnh dại khi bị mèo cắn, cào. Có người trước đây chỉ tiêm ngừa dại sau khi bị chó cắn, nay đến tiêm sau khi bị mèo cào dù vết thương đã lành. Người nuôi thú cưng, yêu mèo đa số trẻ tuổi, tiếp cận nhanh chóng với các thông tin về bệnh dại từ internet, từ đó mong muốn phòng bệnh cho bản thân và thú cưng.
Bên cạnh đó, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nóng, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus dại hoạt động mạnh. Vì vậy, nhiều người tiêm vaccine để dự phòng bệnh trước.

Mèo cũng có nguy cơ lây lan bệnh dại. Ảnh: The Star
Đến chủng ngừa dại tại VNVC Đồng Nai, Tùng Nguyên (25 tuổi), cho biết bị cào xước rướm máu cánh tay khi đang chơi đùa cùng mèo. Nguyên cho rằng mèo nuôi nhốt từ nhỏ, không có khả năng nhiễm và lây truyền bệnh dại, vì vậy không tiêm ngừa. Đến khi đọc các thông tin về ca bệnh dại do bị mèo cào, chàng trai mới tới trung tâm tiêm chủng.
Còn bé Nam (6 tuổi, Kon Tum), bị mèo cào xước da ở bàn tay. Gia đình cho con tiêm ngừa dại ngay, để phòng bệnh.
"Chúng tôi đã tiêm phòng cho mèo, tuy nhiên không chắc chắn con vật có bị dại hay không do thường xuyên chơi cùng mèo hàng xóm. Dù tỷ lệ phát dại của mèo là thấp đi chăng nữa, phòng bệnh vẫn hơn", chị Hương, mẹ bé Nam, nói.
Bác sĩ Phong cho biết dù tỷ lệ tiêm chủng đã tăng lên, tuy nhiên vẫn còn thấp so với dân số chung. Nhiều người cho rằng mèo hoặc các động vật nhỏ, được nuôi nhốt từ khi còn bé, sẽ không có nguy cơ mắc bệnh dại.
Nghiên cứu của de Lima và cộng sự năm 2023 cho thấy độc tính virus dại của mèo cao hơn chó. Tỷ lệ lây nhiễm bệnh dại ở mèo cao gấp 10 lần so với chó. Bệnh viện Johns Hopkins, Mỹ cảnh báo dại có thể truyền qua vết cào xước của mèo con. Mèo thường có thói quen liếm móng vuốt, do đó nguy cơ lây truyền bệnh dại cao hơn so với động vật khác.
Trước đó, Bộ Y tế ghi nhận số ca bệnh dại do mèo cắn, cào trong năm 2023 chiếm khoảng 10%, còn các năm trước gần 100% ca bệnh dại do chó cắn. Thống kê của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022, trung bình một năm có hơn 500.000 người bị động vật cắn, trong đó chó nhiều nhất với 84%, mèo xếp sau với 14%.
"Có thể thấy mèo cũng có nguy cơ lây bệnh dại tương tự chó, vì vậy người dân cần chú ý, có biện pháp phòng bệnh thích hợp, không có tâm lý chỉ ngừa bệnh cho chó", bác sĩ Phong nói, thêm rằng các biện pháp phòng bệnh rất quan trọng, trong bối cảnh Bộ Y tế ngày 13/3 cảnh báo bệnh dại có xu hướng gia tăng song tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên động vật có nơi chỉ đạt 10%, người Việt tăng tìm mua hoặc nhận nuôi chó theo báo cáo do iPrice công bố năm 2021.

Người tiêm vaccine dại tại VNVC sau khi bị mèo cào. Ảnh: Nhật Linh
Người dân nên tuân thủ các biện pháp phòng bệnh dại do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, gồm: mọi người cần tiêm phòng đầy đủ vaccine cho chó, mèo nuôi và nhắc lại hàng năm; người dân không thả rông chó, mèo, đeo rọ mõm cho con vật khi đưa ra khu vực công cộng. Khi con vật phát bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại, cần tiêu hủy ngay. Mọi người không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Người bị cắn phải tiêm vaccine sớm và đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, xử trí đúng vết thương do con vật gây ra.
Trong đó, biện pháp vaccine quan trọng nhất. Theo bác sĩ Phong, nếu được tiêm phòng, nguy cơ mắc bệnh của con vật sẽ giảm xuống. Ở người, vaccine hoặc huyết thanh kháng dại là phương pháp dự phòng duy nhất hiện có, sử dụng sau khi bị chó, mèo cắn, cào.
Vaccine có thể chủng ngừa trước phơi nhiễm cho nhóm người có nguy cơ cao, như: cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus dại, người làm nghề giết mổ chó, người thường xuyên đến các khu vực lưu hành bệnh dại; trẻ em sống hoặc đến thăm các khu vực xa xôi, có nguy cơ cao bị cắn, cào khi chơi với động vật... Nếu bị cắn, cào sau đó, người đã tiêm vaccine dại chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần tiêm huyết thanh.
Mộc Thảo
20h thứ sáu ngày 15/3, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề: "Tiêm vaccine phòng bệnh dại do chó, mèo và vật nuôi cắn, cào".
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia truyền nhiễm và y tế dự phòng: BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKII Nguyễn Thành Nguyên, BS khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Bạn đọc quan tâm, theo dõi chương trình tại đây.