Dữ liệu chính thức Indonesia ghi nhận 1.012.350 ca nhiễm, trong đó hơn 28.000 ca tử vong. Tuy nhiên các chuyên gia y tế tin rằng mức độ lây lan thực sự của nCoV ở Indonesia có thể cao gấp 3 lần con số này. Nhà chức trách bị chỉ trích do tỷ lệ xét nghiệm và truy vết thấp, chỉ tập trung vào vaccine thay vì cải tổ quy trình kiểm dịch lỏng lẻo.
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết sẽ cải tiến công tác ngăn ngừa dịch bệnh và kêu gọi người dân tuân thủ quy định phòng bệnh. "Chúng ta cần làm phẳng đường cong dịch tễ, để cơ sở y tế không chịu quá nhiều gánh nặng, tiết kiệm thời gian ứng phó với loại virus này", ông phát biểu trong một cuộc họp báo.
Chính phủ đã bắt đầu chương trình tiêm chủng Covid-19 hàng loạt hồi đầu tháng 1 và thắt chặt lệnh hạn chế di chuyển. Các bệnh viện ngày càng căng thẳng, hàng nghìn bệnh nhân không thể đặt chân vào những cơ sở y tế ở Jakarta vì đã hết công suất.
Lệnh giãn cách xã hội sẽ kéo dài đến ngày 8/2. Theo đó, chính phủ hạn chế du khách nhập cảnh từ nước ngoài, trung tâm mua sắm và nhà hàng ở Java, Bali phải rút ngắn thời gian hoạt động. Sinh viên Muhaimin Zega, 20 tuổi, kêu gọi nhà chức trách ban hành các quy định rõ ràng hơn. Trong khi đó, Sabriyanti, 42 tuổi, người dân sinh sống ở Jakarta, cho rằng cần siết chặt quy định phòng ngừa.
"Chính phủ nên nghiêm khắc hơn vì tôi vẫn thấy các đám đông tụ tập và nhiều người không đeo khẩu trang", Sabriyanti nói.
Hai tuần trước, Indonesia trải qua trận lở đất kép do mưa lớn kéo dài. Nhân viên y tế rơi vào tình trạng quá tải khi vừa phải cứu chữa nạn nhân động đất, vừa đề phòng nguy cơ lây nhiễm nCoV. Số ít bác sĩ và y tá địa phương phải làm việc không nghỉ cho đến khi có lực lượng hỗ trợ. Họ còn chịu tình trạng thiếu thốn thuốc men và nhu yếu phẩm khác.
Thục Linh (Theo Reuters)