Chỉ trong 60 phút, 7 bệnh nhân Covid-19 tại một cơ sở y tế ở thị trấn Coari, bang Amazonas, đã chết ngạt, trong đó 4 người độ tuổi 50. "Đây là thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của tôi", bà Francisnalva Mendes, Giám đốc y tế Coari nhớ lại thời điểm bệnh viện cạn kiệt oxy. "Chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu, cứu sống những người khác dù trong lòng vụn vỡ. Đó là một ngày tồi tệ".
Coari nằm trong tâm điểm khủng hoảng tại Nam Mỹ, sau đợt bùng phát liên quan đến biến thể nCoV mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn. Nhiều bệnh viện ở Amazonas quá tải, dẫn đến thiếu hụt cả những vật tư y tế cơ bản nhất. Trước tình hình nguy cấp, nước láng giềng Venezuela đã tiếp tế 136.000 lít oxy cho Manaus - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Brazil.
"Tình hình thật hỗn loạn. Chúng tôi không thể theo kịp số ca nhiễm leo thang. Các bệnh viện tư không muốn tiếp nhận thêm người bệnh vì không có đủ oxy", Marcus Lacerda, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu ở Manaus cho biết.
Tháng 4/2020, Manaus trở thành mối quan tâm của thế giới khi nhà chức trách buộc phải chôn cất tập thể nạn nhân qua đời do Covid-19. Chín tháng sau, số người tử vong đã hơn 210.000, mọi việc tệ hơn.
Vào một số ngày, khoảng 200 thi thể được chôn cất ở Manaus, so với con số bình thường là 40. Nhiều bệnh viện hết oxy dành cho bệnh nhân. Dường như do chính phủ không lường trước được hậu quả nặng nề của thảm họa.
"Điều này chưa từng xảy ra, kể cả vào năm 2020. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được đợt bùng phát lớn như hiện tại ở Manaus", ông Lacerda nói.
Lacerda đã hy vọng đợt dịch năm 2020 củng cố miễn dịch cộng đồng tại thành phố này. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Miễn dịch của con người suy giảm và virus biến đổi khiến làn sóng dịch thứ hai vượt khỏi tầm kiểm soát.
Câu chuyện đau lòng về những bệnh nhân ngạt thở và việc sơ tán trẻ sinh non đã gây ra sự phản đối chống lại các nhà lãnh đạo của Amazonas - những người bị chỉ trích là không có kế hoạch, chưa nói đến việc ngăn chặn làn sóng dịch thứ hai.
"Bầu không khí đặc quánh thù ghét và tuyệt vọng", một nhân viên tại phòng khám sức khỏe Alvorada ở Manaus, cho biết. "Những gì chúng tôi đang chứng kiến là một cuộc thảm sát, một sự vô vọng, một bộ phim kinh dị". Tại phòng khám Alvorada, các bác sĩ phải cầu nguyện sự giúp đỡ của thần linh. Phần lớn nỗi tức giận nhắm vào chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro, cáo buộc đã đánh giá thấp dịch bệnh ngay cả khi số người chết do Covid-19 ở Brazil cao thứ hai trên thế giới.
Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello, tướng lục quân không có kinh nghiệm y tế, đã đến thăm Manaus khi hệ thống y tế ở đây sụp đổ. Thay vì giải quyết khủng hoảng thiếu oxy, ông lại thúc đẩy việc sử dụng các loại thuốc điều trị Covid-19 không có cơ sở khoa học như chloroquine. Ông Lacerda cáo buộc chính phủ đã đánh lạc hướng người dân với các phương pháp chữa bệnh không hiệu quả. "Điều này chẳng xảy ra bất cứ nơi nào khác trên thế giới", ông nói.
Tại Manaus, nhiều nhóm tình nguyện viên đã được thành lập để gây quỹ, cung cấp oxy, thiết bị và thực phẩm cho hệ thống y tế bị tàn phá của thành phố.
"Chúng tôi cảm thấy như đang sống ở một nơi không có chính phủ", Vinícius Lima, 16 tuổi, cho hay. Cô gái này đang gây quỹ thông qua Twiter và Instagram để mua xi lanh, máy đo oxy và đồ bảo hộ y tế. "Tôi đang làm những gì tôi cho là nghĩa vụ của mình. Tôi không thể ngủ ngon nếu không làm bất cứ điều gì để giúp đỡ thành phố mà tôi yêu quý. Tôi rất tự hào vì mình đến từ Manaus", Lima chia sẻ.
Một số người cho rằng thảm họa ở Manaus là kết quả của hệ thống y tế mong manh và vị trí đi lại khó khăn. Lacerda cho rằng thực trạng này mang đến một cái nhìn thoáng qua về tương lai của các vùng khác ở Brazil. Ông cảnh báo: "Nếu chúng ta không nhanh chóng triển khai vaccine, những gì đã xảy ra tại Manaus sẽ diễn ra ở phần còn lại của đất nước. Tất cả mọi người cần được tiêm phòng".
Tuy vậy, điều này sẽ không dễ dàng. Chiến dịch tiêm chủng của Brazil mới bắt đầu ngày 17/1, chậm hơn nhiều tuần so với các nước Nam Mỹ khác như Chile và Mexico. Với dân số 212 triệu người, Brazil mới mua được 6 triệu liều vaccine CoronaVac của Trung Quốc và 2 triệu liều từ AstraZeneca-Oxford.
"Số vaccine hiện nay hoàn toàn không đủ để ngăn chặn dịch bệnh ở Brazil", Laverda cho biết. Theo ông, chính sách cô lập với thế giới dưới thời Bolsonaro là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu vaccine.
Raisa Floriano, một người dân ở Manaus, cho biết người cha 73 tuổi của cô đang được điều trị Covid-19. Ít nhất 6 người cùng phòng bệnh với ông đã tử vong vì thiếu oxy. "Nếu có những biện pháp đúng đắn hơn, thảm kịch này có thể sẽ không xảy ra, nhưng mọi quyết định hợp lý đều bị phớt lờ hoặc chế giễu. Tôi cảm thấy thất vọng, phẫn nộ và sợ hãi trước tương lai", cô nói.
Mai Dung (Theo Guardian)