Khi Indonesia triển khai chiến dịch tiêm chủng vào ngày 13/1, Tổng thống Joko Widodo, 59 tuổi, là người đầu tiên được tiêm phòng. Trong khi đó, Phó Tổng thống Maruf Amin, 77 tuổi, lại phải chờ lần sau do quá tuổi.
Theo chính sách tiêm chủng của Indonesia, vaccine được ưu tiên cho những người dưới 60 tuổi - một quyết định ngược với các quốc gia khác đang dành những liều vaccine đầu tiên cho người cao tuổi.
Nhà chức trách ưu tiên vaccine cho nhóm công dân trẻ, vì cho rằng đó là cách tốt nhất để đạt miễn dịch cộng đồng và vực dậy kinh tế.
Theo Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin, chính phủ muốn bảo vệ những người có nhiều khả năng lây truyền virus nhất, bao gồm công dân ở độ tuổi lao động - những người phải đi lại, tiếp xúc nhiều do tính chất công việc.
Indonesia cũng cho rằng hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học đánh giá về hiệu quả của vaccine Covid-19 với người già. Thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối tại Indonesia không bao gồm người trên 60 tuổi.
Indonesia ghi nhận hơn 860.000 ca nhiễm, 25.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch khởi phát. Nước này đang ưu tiên tiêm vaccine CoronaVac Trung Quốc cho khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế, cảnh sát, quân nhân, giáo viên, công chức.
Khác với Indonesia, các nước Mỹ, Anh, Pháp ưu tiên người già trong viện dưỡng lão và những người trên 65 tuổi, vì cho rằng đây là những người bị tổn thương nhất bởi Covid-19. Chiến dịch tiêm phòng cho nhóm này trở nên cấp bách hơn khi một số cơ sở dưỡng lão trở thành ổ dịch.
Theo Amesh Adalja, một học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, vaccine có thể được triển khai theo nhiều hướng, tùy thuộc đặc điểm từng vùng.
Chuyên gia Jennifer Nuzzo, đồng nghiệp của Adalja, cho biết động thái của Indonesia có cơ sở hợp lý. "Nếu Indonesia có thể tiêm phòng cho số đông, số ca tử vong sẽ giảm, song sẽ mất nhiều thời gian để đạt được điều này", Nuzzo nói thêm.
Mai Dung (Theo Washington Post)