Kể từ khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine hồi tháng hai năm ngoái, Slovakia đã thể hiện mình là một trong những bên ủng hộ nhiệt thành nhất của Kiev. Slovakia là quốc gia đầu tiên viện trợ vũ khí phòng không cho Ukraine và họ cũng chào đón nồng nhiệt dòng người tị nạn từ quốc gia láng giềng.
Nhưng tất cả có thể thay đổi nếu Robert Fico, người từng giữ chức thủ tướng Slovakia hai nhiệm kỳ, tiếp tục lên nắm quyền sau cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức ngày 30/9.
Là lãnh đạo phe đối lập ở Slovakia, Fico công khai thể hiện thiện cảm với Nga, đồng thời đổ lỗi cho "Đức Quốc xã cùng những kẻ phát xít Ukraine" đã kích động Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến sự, lặp lại thông điệp mà Điện Kremlin vẫn đưa ra để giải thích cho hành động của mình.
Fico từng kêu gọi chính phủ Slovakia ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và nói rằng nếu ông trở thành thủ tướng, Bratislava sẽ "không gửi thêm một lô đạn dược nào nữa" cho Kiev. Ông cũng phản đối nỗ lực kết nạp Ukraine vào NATO.
Grigorij Meseznikov, nhà phân tích chính trị Slovakia kiêm chủ tịch tổ chức tư vấn Viện Công vụ, cho rằng để lôi kéo những cử tri có cảm tình với Nga ở Slovakia, Fico đang coi việc ủng hộ Moskva là một sáng kiến "hòa bình".
"Ông ấy và các đồng minh cho rằng phương Tây không nên gửi vũ khí tới Ukraine vì điều đó sẽ khiến cuộc xung đột kéo dài. Họ nói rằng 'sẽ có hòa bình nếu chúng ta ngừng gửi vũ khí tới Ukraine', bởi điều đó sẽ giúp xung đột kết thúc sớm hơn. Về cơ bản, họ có quan điểm thân Nga", Meseznikov cho hay.
Fico từng giữ chức thủ tướng Slovakia năm 2006-2010 và tái đắc cử năm 2012. Tuy nhiên, ông buộc phải từ chức vào tháng 3/2018 sau nhiều tuần biểu tình rầm rộ liên quan đến vụ sát hại nhà báo điều tra Jan Kuciak và vợ chưa cưới Martina Kusnirova. Nhà báo Kuciak bị sát hại khi điều tra về tình trạng tham nhũng của giới thượng lưu Slovakia, trong đó có cả những người có liên hệ trực tiếp với Fico và đảng Dân chủ Xã hội SMER do ông lãnh đạo.
Các cử tri đã quay lưng với SMER trong cuộc bầu cử năm 2020 để bầu cho đảng Những Cá nhân Độc lập và Thường dân (OLaNO) trung hữu. Triệu phú tự thân Igor Matovic, lãnh đạo đảng OLaNO, thắng cử nhờ cương lĩnh chống tham nhũng mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ "làm trong sạch" Slovakia.
OLaNO ban đầu được coi là một luồng gió mới, nhưng đảng này và lãnh đạo Matovic cuối cùng lại khiến nhiều cử tri Slovakia cảm thấy thất vọng. Công cuộc chống tham nhũng của Matovic sớm phải hứng chịu nhiều đòn giáng. Ông buộc phải thừa nhận đã đạo văn luận án thạc sĩ và điều hành một chính phủ chìm trong đấu đá nội bộ.
Matovic từ chức chỉ sau hơn một năm, bắt nguồn từ quyết định đơn phương mua vaccine Covid-19 từ Nga, làm dấy lên bất bình trong các đảng khác thuộc liên minh cầm quyền. Bộ trưởng Tài chính Eduard Heger lên nắm quyền thay Matovic, nhưng hỗn loạn vẫn tiếp diễn.
Trong bối cảnh Slovakia phải vật lộn với những hệ quả từ đại dịch và chiến sự nổ ra tại quốc gia láng giềng Ukraine, tình trạng đấu đá nội bộ đã khiến liên minh cầm quyền sụp đổ hồi tháng 12 năm ngoái. Heger vẫn giữ chức thủ tướng tạm quyền nhưng cuối cùng từ chức vào tháng 5, nhường ghế cho nhà kỹ trị Ludovit Odor.
Tình trạng hỗn loạn chính trị ở Slovakia đã mang đến cơ hội mới cho Fico.
"Fico đã cố gắng khôi phục ảnh hưởng và hiện là người dẫn đầu trong cuộc đua", Meseznikov nói. "SMER vẫn nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri cốt lõi của họ và đa phần chúng đến từ những người có cảm tình với Fico. Nhưng họ cũng được hưởng lợi khá nhiều bởi hàng loạt xung đột trong chính phủ cùng một số yếu tố bên ngoài, như Covid-19, lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng và xung đột Ukraine".
Slovakia có hệ thống bầu cử phức tạp với khoảng 10 nhóm chính trị có khả năng đạt ngưỡng phiếu bầu tối thiểu 5% để vào quốc hội. Điều này đồng nghĩa ngay cả khi đảng của Fico thắng cử, ông có thể sẽ cần ít nhất một đối tác liên minh để nắm quyền.
Ông không loại trừ khả năng hợp tác với Republika, đảng cực hữu tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Ukraine là hậu quả từ "chính sách bành trướng của NATO" và "sự can thiệp của Kiev đối với người thiểu số Nga ở miền đông Ukraine".
Theo giới quan sát, đấu đá chính trị và một số vụ bê bối tham nhũng cấp cao đã làm suy yếu niềm tin của người dân Slovakia vào các tổ chức công, tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch.
Tháng trước, cảnh sát Slovakia cáo buộc giám đốc cơ quan tình báo và loạt quan chức an ninh cấp cao khác âm mưu lạm dụng quyền lực. Fico, người thân cận với một số cá nhân dính líu đến vụ bê bối, đã mô tả sự việc là "một cuộc đảo chính của cảnh sát".
Theo GlobSec, tổ chức cố vấn an ninh có trụ sở tại thủ đô Bratislava, chỉ 40% người dân Slovakia tin rằng Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột ở Ukraine, tỷ lệ thấp nhất trong 8 quốc gia thuộc khu vực Trung, Đông Âu và Baltic mà GlobSec tiến hành khảo sát. Tại Cộng hòa Czech, 71% người dân đổ lỗi cho Nga. Nghiên cứu cũng cho thấy 50% người Slovakia coi Mỹ, đồng minh lâu dài của đất nước, là mối đe dọa an ninh.
Dominika Hajdu, nhà nghiên cứu về chính sách tại GlobSec, cho biết Slovakia đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tuyên truyền sai lệch. "Một số ứng viên đứng đầu trong các cuộc thăm dò đã lan truyền những câu chuyện như phương Tây đang cố gắng kéo Slovakia vào cuộc xung đột và bất kỳ ai ủng hộ Ukraine đều đồng nghĩa họ tự động chống lại Slovakia", bà nói.
Theo Hajdu, những thông tin tuyên truyền như vậy được người Slovakia đón nhận, trong bối cảnh khoảng 1/4 dân số nước này vẫn có cái nhìn tích cực về Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Meseznikov đánh giá Fico và các đồng minh đang khai thác tâm lý giận dữ và mệt mỏi ngày càng tăng của cử tri Slovakia, những người cho rằng chính phủ đang hỗ trợ quá đà dành cho Ukraine.
Slovakia đã gửi tên lửa phòng không S-300 cho Ukraine chỉ vài tuần sau khi chiến sự bùng phát. Sau đó, nước này tiếp tục chuyển giao cho Kiev hàng loạt khí tài khác như xe bọc thép, trực thăng, pháo. Họ cũng tiếp nhận hơn 100.000 người tị nạn Ukraine, con số đáng chú ý đối với quốc gia chỉ có 5,4 triệu dân.
Tuy nhiên, theo Meseznikov, một bộ phận không nhỏ người dân Slovakia không đồng tình với cách hỗ trợ như vậy và SMER cùng Republika đã nhanh chóng bắt tay để lôi kéo nhóm người này.
"Lý lẽ của họ là chúng ta không nên giúp đỡ Ukraine vì điều đó gây thiệt hại cho chính người dân Slovakia. Họ cho rằng nó quá đắt đỏ và chúng ta chỉ nên lo cho bản thân mình", ông nói.
Lập luận này không hoàn toàn dựa trên thực tế, vì hầu hết các khoản hỗ trợ mà Slovakia chuyển cho Ukraine đều được trợ cấp bằng quỹ của EU, Meseznikov chỉ ra.
"Nhưng nó có sức thuyết phục cao với những cử tri Slovakia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt", chuyên gia này nói. "Nếu trở thành thủ tướng, Fico sẽ chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine, bởi đó là điều giúp ông ấy giành được sự ủng hộ".
Vũ Hoàng (Theo CNN)