Đề xuất giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên là một trong những nội dung mới lần đầu tiên được đề cập tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến. Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ 15 tuổi trở lên được làm thêm, nhưng không quá 20 giờ một tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ.
Hôm qua, tôi có lịch dạy cả ngày với hai lớp sinh viên hệ Cao đẳng ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa. Tranh thủ giờ sinh viên nghỉ giải lao, tôi chia sẻ thông tin về việc lấy ý kiến quy định sinh viên chỉ được làm thêm tối đa 20 giờ một tuần và muốn nghe ý kiến của các em. Tại đây, tôi nhận được những câu trả lời khá thực tế.
Khá nhiều sinh viên lớp tôi dạy đang đi làm thêm ngoài giờ. Khi tôi hỏi về lịch làm thêm và mức lương các em nhận được thì câu trả lời nhận lại như sau: Có em làm công việc quay livestream cho một sàn thương mại điện tử, mỗi ca được trả 200.000 đồng. Có em làm phục vụ bàn ở nhà hàng gà rán từ 17h đến 23h, lương 22.000 đồng một giờ. Có em làm phục vụ ở quán trà sữa, quán cà phê được trả 17.000 - 23.000 đồng một giờ.
Tôi rất ấn tượng với cô bé lớp trưởng. Nhà bố mẹ em ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Hàng ngày, em phải đi xe buýt từ nhà đến trường ở huyện Thường Tín để học. Nhà xa, xe buýt mỗi tiếng một chuyến, nên em luôn phải dậy từ 5h sáng để có thể có mặt ở trường lúc 6h45, cùng lắm chỉ kịp mua một gói xôi ăn sáng tại lớp trong lúc chờ vào tiết học. Tôi luôn nhớ hình ảnh cô bé sinh viên ngoan ngoãn, chăm chỉ đang ngồi một mình trong lớp ăn xôi trước giờ lên lớp.
Những lúc như thế, cô trò tôi lại ngồi nói chuyện, tâm sự chuyện học hành, làm thêm, gia đình. Em kể, buổi sáng học từ 7h đến 11h30 trên lớp, sau đó em lại bắt xe buýt, mất một tiếng để đến chỗ làm thêm gần nhà. Tiền học phí hiện tại em phải nộp là 1,1 triệu đồng mỗi tháng. Em đi làm thêm kiếm được khoảng 5 triệu đồng. Trừ số tiền chi tiêu cho việc đi học ra, em vẫn còn dư tiền đưa cho bố mẹ, phụ nuôi ba em ăn học.
Một cô bé sinh năm 2003, gương mặt hiền lành, dáng người nhỏ bé nhưng có thể vừa đi làm vừa học nghề và vừa làm thêm kiếm tiền tự nuôi bản thân và giúp bố mẹ nuôi các em. Tôi thực sự khâm phục và thương em.
Ngoài ra, còn một số bạn khác trong lớp, đa số là các em sinh năm 2005, không phải người Hà Nội, cũng không có sự lựa chọn nào khác là phải thuê phòng trong ký túc xá gần trường hoặc nhà trọ gần trường để ở. Trung bình mỗi tháng, tiền học phí, thuê phòng trọ, ăn uống, mua sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, đi lại, thi thoảng đi chơi cùng bạn bè... một em phải tiêu khoảng 4 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền kiếm được từ công việc đi làm thêm của mỗi em vào khoảng 3-5 triệu đồng tùy tính chất công việc. Nghĩa là, số tiền các em kiếm được đủ để trang trải cho việc ăn học, bố mẹ ở quê đỡ được phần nào gánh nặng tài chính.
Sau khi nghe các em sinh viên chia sẻ chuyện làm thêm, tôi thực sự khâm phục. Bởi, trong khi nhiều bạn sinh viên khác được bố mẹ nuôi, không phải lo kiếm tiền thì mải chơi không chịu học, đến lớp không nghe giảng, chỉ nói chuyện, ngủ hoặc chơi điện thoại thì có nhiều em vừa học năm thứ nhất hệ Cao đẳng đã biết đi làm thêm kiếm tiền giúp bố mẹ. Việc này tốt hơn rất nhiều so với những em vào đại học nhưng không chịu học, ra trường không xin được việc, sống phụ thuộc vào bố mẹ.
Khi tôi hỏi các em việc quy định thời gian làm thêm trung bình 1 ngày chỉ được làm 4 giờ, nhiều em lo lắng, sợ khó xin việc. Vì người chủ lao động luôn muốn tuyển người làm 6 giờ một ca. Thậm chí, khi làm nhân viên phục vụ ở quán bia, nhiều khi các em phải chờ hết khách mới được về. Vậy quy định mới có ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên?
Cá nhân tôi cho rằng, đề xuất này là phù hợp. Bởi thực tế, có những em sinh viên phải làm thêm từ 17h đến 23h mỗi ngày, nhưng còn phải ở lại dọn dẹp xong mới được rời quán, về đến nhà trọ có khi cũng gần 1 giờ sáng. Các em tắm giặt muộn, quá mệt nên không còn đủ sức học bài nữa. Sáng hôm sau đi học sớm, vì ngủ ít nên nhiều em luôn có cảm giác uể oải, không tiếp thu được nhiều. Có những em quá ham kiếm tiền hoặc gia đình quá khó khăn không có tiền nuôi các em ăn học nên buộc phải đi làm thêm nhiều, hậu quả là lên lớp ngủ gật, kết quả học tập sa sút.
>> Sinh viên của tôi không về quê ăn Tết để ở lại Hà Nội kiếm tiền
Bên cạnh đó, tôi được biết một số trường đại học ở nước ngoài cũng quy định sinh viên đến du học chỉ được phép làm việc không quá 20 giờ mỗi tuần. Đức có những quy định pháp lý về số giờ sinh viên quốc tế được phép làm việc. Các quy định khác nhau tùy thuộc vào bạn đến từ đâu? Nếu muốn làm việc hơn 20 giờ mỗi tuần, bạn sẽ phải đóng bảo hiểm quốc gia. Nếu bạn đến từ một quốc gia khác, bạn được phép làm việc 120 ngày toàn thời gian (8 tiếng/ngày) hoặc 240 ngày bán thời gian (4 tiếng/ngày) trong năm. Bất kỳ ai muốn làm việc nhiều hơn mức này phải xin phép Agentur für Arbeit (cơ quan việc làm địa phương) và Ausländerbehörde (Văn phòng đăng ký của người nước ngoài). Nó sẽ phụ thuộc vào mức độ thất nghiệp ở một bang.
Tại Mỹ, Anh, Australia... sinh viên quốc tế sẽ được phép làm thêm thời gian tối đa 20 giờ một tuần trong thời gian học và 40 giờ một tuần vào kỳ nghỉ. Các nước phát triển đưa ra quy định hạn chế sinh viên quốc tế làm việc nhằm mục tiêu đảm bảo du học sinh không lơ là việc học, hay rộng hơn là đảm bảo chất lượng nền giáo dục. Chưa kể, du học sinh làm thêm quá nhiều giờ có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên, người dân bản địa. Trong khi đó, sinh viên nội địa ở các quốc gia trên thế giới chủ yếu được khuyến khích làm việc 20 giờ một tuần để đảm bảo cân bằng việc học.
Do đó, xây dựng quy định giới hạn giờ làm thêm là phù hợp, tạo cơ hội cho các bạn học sinh, sinh viên có thêm việc làm, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho các em. Tuy nhiên, để thực hiện được không phải là điều dễ dàng. Nhà nước cần có nhiều giải pháp đồng bộ:
Thứ nhất, Nhà nước cần nêu rõ quy định, cơ chế kiểm tra giám sát, khung thời gian cho từng công việc. Chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng hành lang pháp lý trước khi áp dụng.
Thứ hai, sinh viên đi làm thêm cũng phải cung cấp mã số thuế cá nhân cho nhà tuyển dụng.
Thứ ba, nhà tuyển dụng phải có hợp đồng lao động rõ ràng với sinh viên. Tuyển dụng sinh viên làm thêm, doanh nghiệp phải nêu rõ là vị trí bán thời gian cố định hay không cố định, hoặc thời vụ.
Thứ tư, tất cả việc chi trả tiền lương cho nhân viên (bất kể bán thời gian hay toàn thời gian) đều được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng để cơ quan chức năng quản lý.
Thứ năm, cần đảm bảo việc làm đó được trả lương phù hợp, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định.
Thứ sáu, nếu doanh nghiệp không tuân thủ luật, để cho sinh viên làm thêm quá 20 giờ mỗi tuần sẽ bị cơ quan chức năng phạt nặng.
Thứ bảy, để sinh viên không sao nhãng học tập vì làm bán thời gian bên ngoài quá nhiều thì các nhà trường có thể yêu cầu sinh viên ký cam kết. Trong đó, có quy định nếu sinh viên nghỉ quá 20% số giờ của một môn học thì không được tham gia thi kết thúc học phần. Do đó, mỗi sinh viên sẽ phải tự tính toán, bố trí thời gian để tham gia học đầy đủ và đạt kết quả, ra trường đúng hạn trong thời gian quy định.
Thứ tám, cần có những chính sách hỗ trợ đủ mạnh cho sinh viên khó khăn và sự đồng hành, phối hợp từ nhiều bộ, ngành trong việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên.
Tóm lại, hạn chế làm thêm không quá 20 giờ một tuần là phù hợp. Tuy nhiên, việc kiểm soát học sinh, sinh viên làm thêm và chủ doanh nghiệp không hề dễ dàng. Điều này còn tùy thuộc vào ý thức tự giác của sinh viên lẫn doanh nghiệp. Cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý thông qua báo cáo tài chính, chi trả tiền lương của doanh nghiệp. Nhà nước cần chuẩn bị kỹ lưỡng hành lang pháp lý trước khi áp dụng quy định giới hạn giờ làm thêm đối với học sinh, sinh viên.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.