Khu nhà tôi ở trung tâm có nhiều chỗ cho sinh viên trọ. Trước đây những em ở quê thường rất nghèo, lên trọ thường chỉ có chiếc xe đạp, và vài bộ quần áo. Nhưng từ năm 2022 thì họ đã giàu hơn nhiều người ở thành phố, nguyên nhân là do cơn sốt đất mấy năm qua.
Người có đất rừng rẫy hàng chục hecta, bán cũng được vài chục tỷ đồng. Hai vợ chồng người Đồng Nai ở vùng Tân Phú là một ví dụ, nhìn họ không ai biết là họ rất giàu.
Nhưng khi tìm hiểu thì mới thấy choáng họ có hai con, cùng vào đại học năm nay, một cho đi du học Canada với học phí 18.000 USD một năm, một học đại học trong nước. Nếu tính chi phí mỗi năm họ phải chi hơn 500 triệu đến 600 triệu đồng cho hai đứa con.
Một phụ huynh ở Gia Lai sẵn sàng tìm phòng trọ cho con với giá từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng một để ở thoải mái một mình.
Một cậu ở Bình Phước vừa khoe cha mẹ bán đất cho 3 tỷ đồng để mua nhà Sài Gòn. Có bạn thành phố còn ước gì có cha mẹ ở quê, chứ ở thành phố chỉ có căn nhà nhỏ, biết bao giờ đổi đời.
Ở đâu cũng vậy, thành thị hay nông thôn luôn có một số người do thời thế thuận lợi mà giàu đột biến. Các chính sách thay đổi làm cho nhiều người có lợi thế phát huy được tiềm năng ví dụ xuất khẩu cây ăn trái như sầu riêng, dừa tươi, tiêu, cà phê thậm chí là cau tươi cả trăm ngàn đồng một kg khiến họ thu được tiền tỷ mỗi vụ dễ dàng.
Khi có tiền nhiều thì họ sẽ đầu tư cho con học hành và mua nhà cho con ở thành phố lớn để sau này trụ lại làm việc. Khổ nhất vẫn là dân gốc thành phố chỉ với căn nhà đủ ở chen chúc vài thế hệ mà chẳng có gì để tăng thu nhập cả.
Rốt cuộc người nghèo thành thị vẫn cứ phải sống như thế không thể thay đổi, còn người giàu nông thôn ngày càng nhiều đổ xô lên thành phố mua nhà định cư. Quỹ đất không thay đổi trong khi người nhiều thì giá nhà đất phải tăng.
Không phải chỉ ở ta mà ngay cả các nước phát triển cũng đang bị tình trạng người các nước khác sang du học làm ăn tại các thành phố lớn làm cho giá nhà tăng.
Các nước đó đất đai rộng, dân số ít nhưng vì đa số đều muốn ở thành phố nên mới quá tải. Điều này lý giải vì sao nước ta không thiếu đất ở mà hai thành phố lớn giá đất lại tăng phi mã như vậy.
Biện pháp nào giảm nhập cư? Chỉ có khi nào sống ở thành phố mà không tìm được việc làm, không có tiện ích gì tốt hơn so với tỉnh lẻ thì họ sẽ không đến nữa.
Trong khi đó, vùng ven Hà Nội người ta sẵn sàng đấu giá tới 100-200 triệu đồng một m2 thì đủ thấy sức nóng của đất đô thị là như thế nào. Ai cũng muốn có một căn nhà để dễ làm ăn, để hưởng dịch vụ tiện ích mà vùng quê không có được. Người đông thì hạ tầng không đáp ứng được sống ở đây cũng chẳng sung sướng gì, nào là kẹt xe, ngập nước, khói bụi, ô nhiễm sinh nhiều bệnh tật.
Nhưng tại sao họ cứ bám trụ, trả góp cả đời căn hộ vài chục m2 mà không về quê? Lý do là hạ tầng ở quê còn yếu đường xá, cầu cống chưa đầu tư tốt, mà cái này là những công trình lớn chỉ Nhà nước và nhà đầu tư mới làm được chứ không phải cá nhân về quê là xây dựng được quê hương phát triển đâu.
Khi mà cơ sở hạng tầng còn yếu thì thương mại dịch vụ cũng không thể phát triển, kéo theo thiếu việc làm.
Nhưng tôi tin là chỉ 20-30 năm nữa các tỉnh gần các thành phố lớn sẽ phát triển không thua kém gì thành phố lớn vì các đường vành đai đang được xây dựng, đường sắt cao tốc, các tuyến metro đang được mở rộng và kéo dài thì dân sẽ giãn về các tỉnh phát triển.
Mặt khác công nghệ và trí tuệ nhân tạo cũng ngày càng phát triển giúp cho ở đâu cũng có thể làm việc và kinh doanh thì việc bám thành phố lớn là không còn cần thiết nữa.
Nhưng trong khi chờ đợi điều đó thì trước mắt họ vẫn phải trụ thành phố để kiếm sống.
Độc giả hongnhungpaticusi lý giải những nguyên nhân khiến phụ huynh ở nông thôn tranh thủ gom tiền, mua nhà ở thành phố cho con cái.
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết qua địa chỉ email:bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Hữu Nghị tổng hợp