Theo ghi nhận của VnExpress, 27 thửa đất thuộc ba phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội, quận Hà Đông (cách hồ Hoàn Kiếm 18 km) đã đấu giá thành công.
Trong đó, khu Đống Đanh - Đồng Cộc phường Phú Lương có một lô đất lên sàn đấu, ký hiệu 1A-03. Đây cũng là lô có giá trúng cao nhất, đạt hơn 262 triệu đồng một m2 (tổng 15 tỷ đồng), chênh hơn 8 lần so với khởi điểm. Mức này ngang với giá nhà đất ngõ ô tô vào được ở quận trung tâm Cầu Giấy.
Trong 17 thửa đất tại khu Hạ Khâu, phường Phú Lương, lô trúng cao nhất lên đến 166 triệu đồng một m2 (tổng 10,4 tỷ đồng), gấp hơn 6 lần mức khởi điểm. Mức thấp nhất đạt 146 triệu đồng một m2, gấp 5,5 lần, thuộc về lô có ký hiệu B1-16. Nhà đầu tư trúng lô đất này đến từ Bắc Giang. Ngay bên ngoài hội trường đấu giá, lô B1-16 được rao bán chênh 400 triệu đồng.
Khu Dược (X7) phường Dương Nội có 6 lô lên sàn đấu, trong đó thửa trúng cao nhất đạt gần 183 triệu đồng một m2, chênh 8 lần so với khởi điểm. Lô trúng thấp nhất cũng chênh 5,8 lần, đạt 133 triệu đồng một m2.
Sau hơn nửa ngày tổ chức, phiên đấu giá đã trải qua 14 vòng, hai phần ba nhà đầu tư đã bỏ cuộc từ 21h. Một số nhà đầu tư chia sẻ "ngao ngán vì giá bị đẩy lên trên trời".
Anh Tùng, một nhà đầu tư tham gia phiên đấu cho biết đất gần khu vực lô trúng cao nhất 262 triệu đồng một m2 (1A-03) hiện có giá có thể lên đến 200 triệu đồng một m2. Theo anh, giá có thể còn cao hơn. Đây là lô duy nhất tại khu Đồng Đanh - Đồng Cộc, phường Phú Lương được đấu giá và có vị trí đẹp khi nằm ở góc 2 mặt tiền.
Tại phiên này, anh Tùng không trúng lô nào khi chỉ chấp nhận trả cao nhất đến 140 triệu đồng một m2 cho thửa đất mong muốn, nhưng giá trúng vượt 150 triệu một m2.
Phiên đấu giá lên sàn tại Hội trường Trung tâm Văn hoá TP Hà Nội bắt đầu sáng ngày 19/10 với trên 200 nhà đầu tư tham dự. Cuộc đấu giá tổ chức bỏ phiếu nhiều vòng, tối thiểu 5-11 vòng với bước giá 10 triệu đồng một m2.
Các lô đất dao động 49-72 m2, giá khởi điểm 22,8-32,2 triệu đồng một m2, tương đương khoản đặt cọc từ 222 đến 436 triệu đồng một thửa. Mức này được xem là cao, trong bối cảnh các phiên đấu giá trước tại Quốc Oai, Thanh Oai, Hoài Đức đều khởi điểm rất thấp, từ 3,8-8 triệu đồng một m2.
Người trúng cần nộp số tiền còn lại, chậm nhất 30 ngày từ khi trúng đấu giá. Ngoài ra, người trúng còn cần thanh toán các khoản lệ phí, thuế liên quan như phí công chứng, thuế trước bạ và một số chi phí khác. Nếu không nộp tiền đúng hạn, người trúng có thể mất tiền đặt cọc và quyền sở hữu đất.
Hơn hai tháng trước, tại huyện ven như Thanh Oai, Hoài Đức, liên tiếp các phiên đấu giá đất gây xôn xao thị trường khi giá trúng gấp nhiều lần khởi điểm, trong đó cao nhất hơn 100 triệu đồng một m2. Các địa phương này sau đó dừng tổ chức đấu giá để rà soát điều kiện pháp lý, theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Hết thời hạn thanh toán, trong số 68 lô đất trúng đấu giá ở huyện Thanh Oai, mới có 13 nhà đầu tư nộp tiền. Các lô này chỉ có giá trúng từ 51,6 triệu đến 55 triệu một m2. Còn 55 lô trúng từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng một m2 đều bỏ cọc, không nộp tiền.
Gần đây, các phiên đấu giá đất huyện ven có xu hướng giảm nhiệt so với hai tháng trước. Tại cuộc đấu 27 lô đất huyện Phúc Thọ mới đây, 25 lô được đấu giá thành công với giá trúng cao nhất gần 26 triệu đồng một m2, chênh 30% so với khởi điểm. Còn hai lô đấu giá không thành công.
Anh Tú - Ngọc Diễm