*Ván 1: Nepomniachtchi - Carlsen, 19h30 thứ Sáu 26/11, giờ Hà Nội
Cơn địa chấn sẽ xuất hiện trong lịch sử cờ vua hiện đại, nếu Carlsen mất ngôi vô địch thế giới sau đây ba tuần ở Dubai. Nhưng Nepomniachtchi (Nepo) không chỉ có lợi thế cầm quân trắng ở ván đầu tiên trong chuỗi 14 ván, mà còn được trang bị một vũ khí bí mật.
Nepo được biết đến với kỷ lục đối đầu 4-1 với Carlsen, tức là bốn ván thắng, một thua, không tính các ván hòa, ở cờ tiêu chuẩn. Nhưng hai trong bốn ván thắng của kỳ thủ Nga đã diễn ra từ gần 20 năm trước. Nepo vẫn còn một vũ khí khác, đó là một trong những siêu máy tính nhanh nhất của Nga. Nó ban đầu được chế tạo để phục vụ học máy và trí tuệ nhân tạo, còn hiện tại là một phần của đội ngũ chuẩn bị cho Nepo.
Sau khi đứng đầu giải Thách đấu (Candidates Tournament) tại Yekaterinburg tháng 4/2021, Nepo giành quyền tranh ngôi Vua cờ với Carlsen. Anh dành lời tri ân siêu máy tính Zhores, một sản phẩm đang đặt tại Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo ở Moscow. Zhores có khả năng tính toán hàng chục triệu thế cờ mỗi giây. Trước thềm trận chung kết, Nepo xác nhận anh lại sử dụng Zhores để đối phó với Vua cờ.
"Việc sử dụng siêu máy sẽ không thể ảnh hưởng xấu đến cơ hội của tôi", Nepo nói với Guardian. "Chiếc siêu máy đặc biệt này là trung tâm dữ liệu khổng lồ, có thể được sử dụng cho nghiên cứu khoa học. Hy vọng nó sẽ hiệu quả hơn những chiếc máy khác".
Các kỳ thủ đẳng cấp thế giới không còn lạ gì với việc sử dụng máy tính để nâng cao lực cờ. Nhưng một một cỗ máy tính toán nhanh hơn, với độ sâu lớn hơn, có thể giúp kỳ thủ tìm ra những biến khai cuộc mới đầy bất ngờ. Nó cũng sẽ đánh giá tốt hơn các thế cờ bất kỳ.
"Tôi có thể tự tin hơn vào đánh giá, nếu nhìn thấy máy tính có khả năng tính toán 500 triệu nút của thế cờ, hơn là 100 triệu nút", kỳ thủ Nga 30 tuổi nói thêm. "Về cơ bản, các kỳ thủ hàng đầu đều có khả năng truy cập vào những thứ tương tự. Đó là các công cụ đánh cờ như Stockfish hay Leela Chess Zero (Lc0). Chúng tôi chuẩn bị cho trận đấu trên những công cụ ấy. Mọi kỳ thủ đều luyện tập với những công cụ đó".
Stockfish và Lc0 là hai công cụ đánh cờ mạnh nhất thế giới hiện tại, với Elo ước tính trên 3.600. Còn Elo của Carlsen và Nepo tháng 11/2021 lần lượt là 2.855 và 2.782.
Một chi tiết thú vị khác liên quan đến câu chuyện này, đó là Chủ tịch quỹ Skolkovo cũng đang là Chủ tịch Liên đoàn cờ vua thế giới Arkady Dvorkovich. Vị Chủ tịch người Nga này cũng đứng đầu ban tổ chức trận chung kết cờ vua thế giới giữa Carlsen và Nepo.
Lịch sử gần 20 năm tranh tài giữa Carlsen và Nepo sẽ tiếp diễn, lần này ở đẳng cấp cao nhất. Nhưng vào lần đầu gặp nhau, Nepo không nghĩ rằng sẽ có ngày hai đấu thủ gặp nhau ở trận tranh ngôi. "Lần đầu tiên chúng tôi đánh cờ với nhau là ở giải U12 châu Âu", Nepo nói. "Carlsen đã chơi khá tốt, nhưng tôi không thấy cậu bé đó có gì ngoạn mục. Carlsen cũng tới từ Na Uy, không phải một cường quốc cờ vua, nên tôi không để ý nhiều đến cậu ấy. Nhưng chúng tôi lại tái ngộ không lâu sau ở giải U12 thế giới. Chúng tôi cùng đứng trong top 2, và tôi nhận ra Carlsen thực sự mạnh".
"Về cơ bản, tôi nghĩ một kỳ thủ sẽ cảm thấy có sự khác biệt nếu gặp người mà anh ta từng đánh bại trước đây", Nepo nói thêm. "Nhưng một vài ván đấu của chúng tôi đã diễn ra cách đây gần 20 năm. Nên dù lợi thế đối đầu nghiêng về tôi, sẽ là ngu ngốc nếu tôi chỉ dựa vào yếu tố này".
Thay vào đó, Nepo thừa nhận sự thay đổi trong suy nghĩ biến anh từ một cao thủ với phong độ thất thường, thành người thách thức thực sự ngôi Vua cờ.
"Trước đây tôi có lẽ là kỳ thủ lười biếng nhất trong top 20 thế giới", anh thừa nhận. "Thông thường, mỗi kỳ thủ có khoảng một, hai tuần giữa các giải đấu. Họ sẽ dành thời gian đó để chuẩn bị cho giải tiếp theo. Còn tôi sẽ đi đá bóng ba trận một tuần, hoặc xem các phim của Marvel. Khi phần mới của Games of Thrones ra mắt, tôi đã nghĩ rằng không thể bỏ lỡ tập nào. Nhưng cuối cùng tôi hiểu ra rằng mình sắp bước sang tuổi 30. Trước đó tôi đã không làm điều gì nghiêm túc, không đạt được gì đặc biệt".
"Có những lúc, chúng ta phải lựa chọn xem mình muốn cuộc sống tràn ngập niềm vui và có thể không đạt được quá nhiều thứ, hay là hy sinh một điều gì đó để có thể tiến về phía trước. Tôi đã mất nhiều thời gian để thành công theo cách tiếp cận mới này", anh nhấn mạnh.
Một vấn đề khác mà Nepo thừa nhận ở bản thân, là đôi khi anh quá tự tin. Anh thường đi quân nhanh hơn nhiều so với hầu hết đối thủ, ở hầu hết ván đấu. "Đây là vấn đề đeo bám tôi nhiều năm qua", anh nói. "Tôi vẫn thường nghĩ: 'Tôi không thực sự quan tâm tới đối thủ của mình là ai, bởi tôi sẽ đánh bại họ'. Đôi khi thành ra tôi thiếu tôn trọng đối thủ. Nhưng sau khi điều chỉnh lại suy nghĩ, kết quả thi đấu của tôi đã tốt hơn".
Sự thay đổi trong suy nghĩ của Nepo còn thể hiện ở quá trình chuẩn bị cho trận chung kết. Sau những đợt tập huấn dài hạn, anh giảm tới 10kg. Mỗi ngày tập luyện, Nepo chơi thể thao vào buổi sáng, và chỉ luyện cờ trong khoảng bốn, năm tiếng, bắt đầu từ 3h chiều. Đấy cũng là thời điểm bắt đầu các ván đấu trong trận chung kết, theo giờ Dubai. Sau khi luyện cờ, anh tập thể dục nhiều hơn vào buổi tối. "Lịch tập của tôi khá nhàm chán", anh cười và nói. "Nhưng nó giúp ích cho tôi".
Carlsen cũng tỏ ra sung mãn và có phong độ tốt sau chuyến tập huấn gần đây ở Cadiz, Tây Ban Nha. Thông thường, các kỳ thủ dành vài tháng cuối cùng trước trận chung kết thế giới để đóng cửa tu luyện. Nhưng, Carlsen đã khiến dư luận ngạc nhiên khi dành thời gian đánh cờ và huỷ diệt những kỳ thủ tập sự ở các ván đấu cờ chớp và siêu chớp trên mạng. Khi được hỏi về sự bất thường trong khâu chuẩn bị này, Carlsen nói: "Có vài yếu tố khác nhau khiến tôi làm vậy. Chủ yếu là do tôi bị cảm lạnh và không được ra ngoài nhiều. Nhưng tôi cũng tin rằng bất cứ phương pháp tập luyện nào cũng hữu ích, đặc biệt là trong cờ chớp".
Vậy ai sẽ thắng? Giới chuyên môn thường đánh giá Carlsen cao hơn. Nhưng Nepo có đủ tài năng và nếu anh đạt phong độ cao, điều gì cũng có thể xảy ra. Viswanathan Anand - Vua cờ giai đoạn 2007-2013 - cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói: "Nepo không hề sợ Carlsen. Điều này rất quan trọng. Cậu ấy không được phép tôn trọng Carlsen, mà phải tin rằng có thể đánh bại Carlsen. Nepo thực sự nghĩ như vậy".
Nhưng Anand cũng thừa nhận rằng Carlsen vẫn là ứng viên chiến thắng, với chênh lệch 73 Elo so với Nepo. "Carlsen vẫn không chịu dừng lại", Anand nói. "Điều đó có lẽ khiến hầu hết kỳ thủ cảm thấy sợ hãi. Carlsen hiếm khi mắc sai lầm rõ rệt. Có nghĩa là đối thủ của cậu ấy phải đạt cấp độ thi đấu cao và duy trì được phong độ đó. Nhưng thế không có nghĩa là Carlsen không thể gục ngã. Có những thế cờ mà cậu ấy không muốn rơi vào. Quan trọng là làm thế nào để đưa Carlsen vào thế cờ đó. Nếu tôi biết cách, tôi đã tự mình làm điều đó rồi".
Anand mất ngôi Vua cờ vào tay Carlsen năm 2013 ở Chennai, Ấn Độ. Một năm sau, ông thách đấu để đòi lại danh hiệu với kỳ thủ Na Uy, nhưng lại thất bại. Đây đã là trận chung kết thế giới thứ năm trong sự nghiệp của Carlsen, nhưng anh vẫn chưa muốn dừng lại. Khi được hỏi liệu kinh nghiệm chơi trận chung kết có phải lợi thế với anh so với Nepo không, Carlsen trả lời: "Không, lợi thế của tôi nằm ở chỗ tôi là người giỏi hơn".
Trận tranh ngôi Vua cờ thế giới dự kiến diễn ra năm 2020, nhưng vì Covid-19 nên hoãn sang năm 2021 tại Dubai, UAE. Kể từ 26/11, Carlsen và Nepo sẽ chơi 14 ván cờ tiêu chuẩn, với 120 phút cho 40 nước đi đầu tiên, thêm 60 phút cho 20 nước tiếp theo, và thêm 15 phút cho phần còn lại của ván đấu. Kể từ nước 61, mỗi kỳ thủ sẽ có 30 giây cộng thêm sau mỗi nước đi.
Kỳ thủ nào giành 7,5 điểm trở lên sẽ thắng cuộc. Nếu họ hoà 7-7 sau 14 ván, ngôi Vua cờ sẽ phân định bằng loạt đấu tie-break cờ nhanh và chớp. Trận đấu diễn ra từ 26/11 đến 14/12, còn loạt tie-break và lễ bế mạc ngày 15/12. Sau khoảng hai đến ba ván, các kỳ thủ lại được nghỉ một ngày.
Ở trận chung kết thế giới gần nhất năm 2018, Carlsen hoà kỳ thủ Mỹ Fabiano Caruana cả 12 ván cờ tiêu chuẩn, rồi thắng ở loạt tie-break. Trận đấu năm nay được tăng lên 14 ván.
Xuân Bình (theo Guardian)