Mở bài, tôi xin trích một bình luận của một vị độc giả trong bài Tài xế 'khóc ròng' vì mức xử phạt cao: "Hai tháng đầu, nên giơ cao đánh khẽ để bảo toàn tính nhân ái. Cùng lắm là giam xe vài ngày rồi để họ lên phường lãnh xe về.
Sau đó, khi người dân đã hiểu luật và quen dần, hãy mạnh tay hơn.
Ngày trước, tôi cũng vì miếng ăn mà vượt đèn đỏ để giao pizza. Một anh cảnh sát đã không lập biên bản mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Chính sự nhân ái đó làm tôi chừa, chứ không phải vì sợ bị phạt".
Sáng nay, tôi gọi một chiếc xe ôm công nghệ đi làm. Anh tài xế đón tôi với vẻ dè dặt lạ thường. "Mức phạt cao lắm, em chạy chậm cho chắc, ngày kiếm được 200 nghìn là mừng, anh chịu khó mất thời gian tí nhé".
Tôi gật đầu, nghĩ đến câu chuyện không chỉ của riêng anh mà còn của rất nhiều tài xế công nghệ ngoài kia.
Cơ quan tôi nằm trên một con đường một chiều, cách ngã tư khoảng 200 mét. Hồi trước, tài xế thường tiện miệng hỏi: "Anh chịu khó cho em leo lề nhé, đi cho nhanh".
Tôi không thích việc này, nhưng cũng đôi khi nhắm mắt làm ngơ cho qua. Các shipper quen cũng hay than: "Giờ trưa phải tranh thủ, không thì không kịp giao hàng, nhận đơn mới. Chạy rề rề thì đói".
Tuy vậy, tôi không đồng tình với việc biện minh cho hành vi sai luật bằng lý do mưu sinh. Phạm luật là phạm luật, không thể vì thu nhập mà bỏ qua nguyên tắc. Nhưng phải thừa nhận rằng, mức phạt mới, ví dụ cho lỗi leo lề từ 4-6 triệu đồng, nếu lấy trung bình là 5 triệu đồng, gấp 25 lần thu nhập một ngày của một số tài xế xe ôm - thực sự là gánh nặng đối với họ.
Đặt mình vào vị trí những tài xế này, tôi hiểu họ là nhóm dễ vi phạm và cũng dễ chịu hình phạt nghiêm khắc. Họ chạy trên đường không phải vì sở thích mà vì áp lực cơm áo gạo tiền.
Nhưng xã hội cần nhìn rộng hơn: không phải ai cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc leo vỉa hè. Nhiều người đơn giản chỉ nghĩ: "Có vài chục mét, leo lề cho nhanh".
Luật pháp ra đời là để răn đe, do đó, những ngày đầu tiên áp dụng luật, nên đặt trọng tâm vào việc giáo dục, giúp người dân hiểu rõ và điều chỉnh dần thói quen.
Mục tiêu cuối cùng của luật pháp không phải là khiến người ta sợ mà là khiến người ta hiểu và tự giác thay đổi.
Lê Lam