Hôm nay là ngày đầu tiên Nghị định 168/2024 xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực. Cảnh sát giao thông các địa phương bắt đầu xử lý vi phạm với mức hình phạt mới tăng cao so với trước.
Tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, nút giao đông đúc bậc nhất của Thủ đô, dù là ngày nghỉ Tết Dương lịch lượng phương tiện vẫn lớn. Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) đã cử một tổ trực chốt phân luồng và một tổ xử lý vi phạm lưu động tại nút giao này.
5 chiến sĩ được phân công làm nhiệm vụ tại các hướng. Nhiều phương tiện, chủ yếu là xe máy vẫn vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi trên vỉa hè. Lúc 9h, cảnh sát dừng xe ôm công nghệ của ông Lê Ngọc Sơn, 67 tuổi, trú Hà Đông, đi hướng Hà Đông - Ngã Tư Sở do vượt đèn đỏ.
Ông Sơn thừa nhận vi phạm và được hướng dẫn vào chốt lập biên bản. Khi được thông báo hành vi này sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng thay vì 800.000-1.000.000 đồng như trước, tài xế rơm rớm nước mắt nói "phạt cao như này chắc tôi bỏ xe".
Tài xế cho biết cả ngày lái xe, về nhà nghỉ ngay chứ không đọc tin tức nên không nắm được quy định mới. "Từ sáng đến giờ tôi mới giao được 5 đơn, tiền công chưa trừ xăng là 63.000 đồng, phạt thế này chắc tôi bỏ nghề", ông Sơn phân trần.
Phát hiện một xe máy biển Bắc Ninh do cô gái điều khiển đứng chờ đèn đỏ ở sau vạch kẻ đường, cảnh sát ra hiệu lệnh kiểm tra. Người này cho biết hàng ngày đi đến nút giao trong giờ cao điểm đều được cảnh sát giao thông hướng dẫn đi quá vạch kẻ đường một đoạn để chờ đèn đỏ.
Cảnh sát giao thông giải thích khi có cảnh sát thì hiệu lệnh của cảnh sát sẽ có giá trị cao hơn đèn tín hiệu. Thời điểm phát hiện vi phạm không có cảnh sát phân luồng nên người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của đèn.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, cho biết để kế thừa kết quả đạt được của Nghị định 100/2019 và quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, kết hợp với tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, Ban soạn thảo nghị định nhận thấy cần thiết nâng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi vi phạm.
"Tăng mạnh mức xử lý áp dụng với hành vi có tính cố ý, là nguồn nguy hiểm cao độ và là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn", đại tá Nhật nói.
Về băn khoăn một số giao lộ đèn tín hiệu có thể gặp trục trặc, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết tại các nút giao thông hiện nay đại đa số được trang bị camera giám sát. "Trường hợp người dân bị lập biên bản xử phạt mà thấy chưa thỏa đáng có quyền khiếu nại, thậm chí khởi kiện ra tòa án hành chính. Khi nhận được khiếu nại, cảnh sát giao thông chắc chắn sẽ đối chiếu, xem xét các yếu tố liên quan", đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.
Về tình huống khi gặp pha đèn vàng, đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói tài xế phải dừng trước vạch khi đèn chuyển tới pha màu vàng, trường hợp đã đi qua vạch dừng vẫn được phép đi tiếp.
Năm 2024, cả nước xảy ra hơn 21.500 vụ tai nạn, làm hơn 9.950 người chết, 16.000 người bị thương. Trong các nguyên nhân, lớn nhất là người điều khiển phương tiện không đi đúng chiều đường với hơn 3.000 vụ, 360 vụ do vượt đèn đỏ.