Cả ngày hôm nay (31/8), anh Phi - shipper khu vực Bình Tân cứ mở ứng dụng lên vì thấy thông báo có đơn hàng mới nhưng rồi lại tắt. "Chỉ trong khoảng 9h30-9h45 sáng nay, tôi đã đếm được gần 40 đơn hàng chờ tài xế nhận cuốc. Trong lòng dù rất muốn đi làm lại nhưng lo các quy định triển khai chưa đồng bộ sẽ gặp rắc rối nên tôi quyết định ở yên trong nhà chờ thêm vài ngày", anh nói.
Sáng nay, anh Phi cho biết có hỏi thăm nhiều đồng nghiệp dậy từ 5h sáng để đi test nhanh Covid-19, vẫn có một số trạm y tế lưu động chưa mở cửa. Anh cho rằng, những lần áp dụng quy định mới trước đây cũng thế, cần vài ngày thì các nơi mới áp dụng suôn sẻ.
Trong khi đó, anh Quốc - một shipper tại khu vực quận 7 cho biết, hôm nay là tròn 20 ngày kể từ khi anh bị phạt tại một chốt kiểm dịch và ngưng hoạt động cho đến giờ. Nhờ có khoản tiết kiệm từ trước lại không có người phụ thuộc, đến nay anh vẫn "trụ" được sau gần cả tháng ở nhà.
Anh cũng cho biết hiện chưa đi làm lại ngay vì các thủ tục quy định cho shipper được hoạt động đang rất rườm rà. Trong khi shipper chỉ được nhận đơn cùng quận, thu nhập sẽ bị giảm rất nhiều. "Phải dậy sớm từ 5h sáng đi test nhanh, lại đánh đổi nhiều rủi ro nhiễm bệnh... chỉ để kiếm được vài trăm nghìn mỗi ngày tôi thấy không đáng", anh bộc bạch.
Trên các nhóm cộng đồng kết nối khách hàng và tài xế, nhiều người đặt ứng dụng mãi không thành nên đăng bài tự tìm shipper bên ngoài. Tuy nhiên, các bài viết đăng từ sáng đến chiều vẫn không có shipper nào tương tác. Chị Thanh bán hải sản khô và các loại mắm tại quận Bình Thạnh cho biết không tìm được tài xế nào nhận đơn hôm nay.
Trước đó, chị hay tin các shipper sẽ ra quân hôm nay nên đã nhắn tin với khách hàng, hứa sẽ giao trong ngày. Đặt trên ứng dụng không thành công, chị Thanh lên trang cá nhân đăng bài hỏi thăm và lên các nhóm tìm shipper ngoài nhưng cũng rất vất vả.
"Mãi đến chiều mới có một tài xế nhận giao hai đơn ngày mai, trong khi tôi đã lỡ chốt với 14 khách cùng quận. Giờ tôi phải xin lỗi họ và tiếp tục tìm kiếm shipper", chị Thanh nói và cho rằng lần này tình trạng khan hiếm shipper còn trầm trọng hơn những giai đoạn trước.
Trao đổi với VnExpress, đại diện AhaMove cho biết, thực tế thị trường đang chênh lệch cung - cầu khi số lượng shipper thấp hơn nhu cầu vận chuyển của người dân. Khác với mô hình công ty giao nhận truyền thống - công ty thuê các shipper làm việc và họ là nhân viên của công ty, còn với mô hình mà AhaMove đang áp dụng, shipper là đối tác chứ không phải là nhân viên. Do vậy, doanh nghiệp này chỉ có thể tạo ra môi trường và các điều kiện khuyến khích đối tác hoạt động chứ không thể "ép buộc" họ phải ra đường.
"Shipper có toàn quyền quyết định đối với trạng thái và thời gian hoạt động của mình mà công ty không được can thiệp", đại diện AhaMove nhấn mạnh.
Theo đại diện AhaMove, việc nhiều tài xế không trở lại hoạt động dù đủ điều kiện có rất nhiều lý do. Có thể họ đột nhiên nằm trong vùng giới hạn hoặc sợ dịch bệnh nên không ra đường. Cũng có trường hợp "tắt app" vì sợ khi ra đường sẽ bị phạt dù được trang bị đầy đủ giấy tờ cần thiết, một phần do cách diễn giải quyết định của các bên khác nhau và trước đó đã có khá nhiều trường hợp shipper bị phạt vì lẽ trên.
Ngoài ra, thời gian qua, việc chỉ được phép hoạt động nội quận đã làm giới hạn phần lớn tới khả năng nhận đơn của tài xế và khó khăn cho khách hàng khi đặt đơn. Trước giãn cách, khoảng 70% đơn hàng chủ yếu là nhu cầu giao hàng liên quận. "Chỉ chạy nội quận thì có khả năng doanh nghiệp rơi vào tình trạng tài xế 'ngồi chơi' nhưng yêu cầu của khách vẫn không được xử lý là rất lớn", người này nói thêm.
AhaMove cho biết rất ủng hộ và luôn muốn phối hợp tốt với TP HCM trong việc thực hiện các quy định mới. Tuy nhiên, để hoạt động giao hàng được tối ưu hơn, doanh nghiệp này đưa ra một số kiến nghị.
Thứ nhất, công ty mong muốn có thể tăng thêm số lượng shipper được phép hoạt động. Đây là vấn đề liên quan lớn đến cân bằng cung cầu. Hiện nay nhu cầu cần giao hàng của người dân quá lớn, số lượng shipper được cấp phép vẫn còn hạn chế dẫn đến chênh lệch cung cầu, ảnh hưởng tới giá dịch vụ. Nếu shipper nhiều hơn, giá thành sẽ giảm xuống.
Thứ hai, doanh nghiệp này đề xuất tăng hạn sử dụng của giấy xét nghiệm lên 3-5 ngày. Việc giấy xét nghiệm chỉ có hạn sử dụng một ngày làm giảm số lượng shipper có thể hoạt động, do họ lo ngại xét nghiệm quá đông dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, việc xét nghiệm liên tục hàng ngày gây đau mũi và bất tiện cho sự hoạt động của họ.
Tất Đạt