Bộ phim Trung Quốc "Upstream" (Ngược dòng cuộc đời) kể về kỹ sư IT Cao Chí Lũy, người bị sa thải ở tuổi trung niên và buộc phải làm shipper để nuôi gia đình. Dù có phần bi kịch hóa, tác phẩm này phản ánh thực tế khắc nghiệt của nghề giao hàng - công việc đầy áp lực nhưng thường bị khách hàng xem nhẹ.
Để kiếm được mức thu nhập gần 10.000 nhân dân tệ (khoảng 35 triệu đồng), nhân vật phải làm việc từ 12 đến 16 tiếng mỗi ngày, đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, các quy định khắt khe từ công ty và những yêu cầu không ngừng từ khách hàng. Chỉ cần giao hàng trễ vài phút, họ có thể bị trừ lương hoặc mất đi khoản tiền chuyên cần ít ỏi.
Đây không chỉ là câu chuyện của một nhân vật hư cấu, mà còn là bức tranh chung của hàng triệu shipper trên khắp thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Tại Việt Nam, những shipper ngày đêm len lỏi qua từng con phố nhỏ, đội mưa đội nắng để giao từng đơn hàng đúng hẹn.
Áp lực công việc với họ không chỉ đến từ phía công ty mà còn từ chính khách hàng. Vụ việc nam shipper Đà Nẵng tử vong sau xô xát với khách hàng vì khoản tiền 375.000 đồng là một câu chuyện quá đau lòng.
Theo quy định, anh chỉ nhận được 4.000 đồng tiền công giao hàng sau khi thu tiền từ khách. Nhưng sau nhiều lần đòi không được, anh bị đánh giá "sao xấu" trên ứng dụng, đối mặt với nguy cơ bị công ty phạt 500.000 đồng và phải đền bù khoản tiền khách không thanh toán.
Những con số nhỏ bé này mang ý nghĩa rất lớn với cuộc sống của những shipper nghèo khó. Họ làm việc cật lực, chỉ mong kiếm được thu nhập để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, đôi khi sự vô tâm của khách hàng lại đẩy họ vào tình thế cùng quẫn.
Bản thân tôi, mỗi khi đặt hàng, luôn cố gắng thông cảm với shipper. Nếu có khó chịu về trục trặc giao hàng, tôi cũng tránh đánh giá thấp hoặc phàn nàn không cần thiết.
Bởi lẽ, tôi hiểu rằng những người đang chạy xe ngoài kia, giữa dòng người đông đúc và nắng gió khắc nghiệt, đang gánh trên vai áp lực cơm áo gạo tiền. Một lần đánh giá một sao có thể là sự bất mãn nhất thời của khách hàng, nhưng lại là "án phạt" nặng nề với shipper.
Ngược lại, một lần đánh giá 5 sao có thể trở thành nguồn động viên lớn lao, là sự ghi nhận cho những nỗ lực của họ. Câu chuyện của shipper không chỉ là vấn đề của một ngành nghề mà còn là lời nhắc nhở về ý thức xã hội. Họ là những người lao động thầm lặng, góp phần vào sự vận hành trơn tru của xã hội.
Chúng ta, những người nhận hàng, có thể góp phần cải thiện cuộc sống của họ bằng những hành động nhỏ, như sự cảm thông khi có sự cố ngoài ý muốn, hạn chế đánh giá tiêu cực, và ghi nhận nỗ lực của họ qua những đánh giá tích cực.
Shipper không chỉ là người giao hàng, họ là những người cha, người mẹ, người con đang nỗ lực từng ngày để nuôi sống gia đình. "Sinh mệnh" của họ đôi khi được gói gọn trong một đánh giá 5 sao.
Vì vậy, hãy để những hành động nhỏ của chúng ta trở thành điểm tựa, giúp họ tiếp tục hành trình mưu sinh đầy khó khăn.
Về mặt quản lý chung, tôi nghĩ cần:
Điều chỉnh hệ thống đánh giá công bằng hơn: Các công ty cung cấp ứng dụng giao hàng cần áp dụng cơ chế đánh giá toàn diện hơn. Đánh giá không chỉ dựa vào cảm tính của khách hàng mà còn phải xem xét các yếu tố khách quan, như điều kiện thời tiết, tình trạng giao thông hoặc lỗi không thuộc trách nhiệm của shipper.
Xây dựng quỹ hỗ trợ shipper: Các doanh nghiệp nên thành lập quỹ hỗ trợ shipper khi họ gặp sự cố, tai nạn hoặc bị khách hàng quỵt tiền. Quỹ này có thể được trích từ lợi nhuận hoặc đóng góp từ các đối tác tham gia nền tảng.
Tăng cường chính sách bảo vệ: Cần có quy định rõ ràng về quyền lợi của shipper, như mức lương tối thiểu, bảo hiểm y tế và chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, công ty cần có phương án bảo vệ shipper trước những khách hàng có hành vi bạo lực hoặc quỵt tiền.
Lê Nam