* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Phim do Từ Tranh đạo diễn kiêm đóng chính, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Thanh Minh. Kịch bản kể câu chuyện về Cao Chí Lũy, quản lý cấp trung tại một công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bất ngờ nhận thông báo bị sa thải. Mất việc ở tuổi gần 50, Cao Chí Lũy đối mặt áp lực cơm áo gạo tiền, quyết định làm nhân viên giao hàng. Qua đó, anh gặp gỡ nhiều đồng nghiệp chung chí hướng.
Tác phẩm gây ấn tượng nhờ cốt truyện gần gũi đời thật, phản ánh khó khăn của những người yếu thế. Êkíp đưa vào loạt vấn đề xã hội tại Trung Quốc như giờ làm việc "996" (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, sáu ngày một tuần), môi trường làm việc bị thu hẹp do quá đông nhân sự, kỳ thị tuổi tác và tình trạng của các gia đình trước sự sụp đổ của các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) trực tuyến.
Ban đầu, Cao Chí Lũy được hưởng mức lương cao, cho con theo học trường quốc tế, chăm sóc đầy đủ cho cha mẹ già. Anh làm việc từ sáng đến đêm, bị tiểu đường, không tập thể dục mà chỉ tiêm insulin. Nhưng chỉ sau một đêm, Chí Lũy cảm thấy mất phương hướng, liên tục rải đơn xin việc song không được nhận. Các áp lực như khoản vay mua nhà, học phí cho con gái và chi phí điều trị cho cha đè lên vai anh.
Phim thể hiện chân thực cuộc sống thường ngày của tầng lớp lao động. Họ không phải "anh hùng" có thể làm nên những điều phi thường, mà là những con người với ước mơ, nỗi sợ và cả gánh nặng riêng. Bị sa thải ở trung niên, Chí Lũy không dám kể với gia đình, để khi người thân phát hiện, anh mới nhận ra những năm tháng hào nhoáng trước đây chỉ là phù du.
Biên kịch khai thác một số nhân vật phụ để cho thấy sự đa chiều. Trong phim, có người vất vả, nỗ lực hết sức nhưng không đạt được mục tiêu. Tuy vậy, họ không nản chí, giữ vững niềm tin vào tương lai. Nhân vật Đại Hắc - nhận được nhiều đơn hàng nhất trong nhóm của Chí Lũy - mong đổi đời, đồng thời trả nợ thay bạn. Lão Kiết bị tai nạn giao thông nhưng nhất định không chữa trị, tiết kiệm tiền cho con gái bị bệnh máu trắng. Còn Dương Đại Sơn trẻ tuổi, muốn tự lập, lo cho người yêu.
Nhiều chi tiết khơi gợi sự đồng cảm, bộc lộ mặt trái nghề nghiệp. Để đạt mức thu nhập 10.000 nhân dân tệ (gần 35 triệu đồng), họ phải chạy 12-16 tiếng mỗi ngày. Ngành nghề này cũng gặp nhiều sức ép khi nhân viên cạnh tranh nhau, khách hàng yêu cầu rút ngắn thời gian giao, gửi hàng trễ sẽ bị trừ lương, không được tính lương chuyên cần.
Điện ảnh Trung Quốc những năm gần đây lồng ghép các vấn đề như bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, áp lực kinh tế để thu hút sự quan tâm của công chúng. Với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, khán giả có sự thay đổi về nhu cầu và thị hiếu xem phim. Họ không chỉ muốn xem những bộ phim giải trí đơn thuần mà tìm kiếm tác phẩm ý nghĩa, ca ngợi tình yêu gia đình, nỗ lực của mỗi người.
Diễn xuất của dàn nghệ sĩ được đánh giá tích cực. Từ Tranh cùng Vương Kiêu (vai Lão Kiết), Phùng Binh (quản lý nhóm shipper) trải nghiệm công việc giao hàng trước khi bấm máy. Tân Chỉ Lôi tròn vai người vợ tần tảo của Chí Lũy, động viên chồng trong lúc khốn khó, dạy đánh trống, làm nail phụ giúp gia đình.
Phim đạt 6.6/10 điểm trên diễn đàn Douban. Theo Sohu, nhiều người xem nói dự án giúp họ nhớ lại những ngày tháng cực khổ, giúp họ củng cố niềm tin. Một tài khoản viết: "Upstream ca ngợi những người không ngừng làm việc chăm chỉ. Không nên dùng thành tích, địa vị, con số để đánh giá xem nỗ lực của người khác đến đâu. Sẽ thật tuyệt nếu nhiều người quan tâm đến hoàn cảnh công việc ở tuổi trung niên qua bộ phim này".
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng tác phẩm cường điệu, "thi vị hóa sự khổ cực". Ví dụ, khi Chí Lũy ngã xuống do hạ đường huyết, vẫn phải cố mỉm cười để hoàn thành yêu cầu trên ứng dụng. Mâu thuẫn của Đại Hắc với đồng nghiệp được giải quyết dễ dàng bằng lời nói hoặc món quà nhỏ.
Các nhân vật phụ đóng vai trò hỗ trợ cốt truyện, không được đào sâu tâm lý. Dù trình bày nhiều chi tiết mô tả khó khăn, đến cuối phim, đạo diễn không giải quyết được câu hỏi: Liệu những người thất nghiệp có sẵn lòng làm giao hàng? Và quan trọng hơn, họ có cảm thấy được xã hội tôn trọng khi trở thành shipper không?
Theo First Financial Daily, trong buổi quảng bá phim tháng 8/2024, đạo diễn Từ Tranh cho biết trong quá trình nghiên cứu, ông nhận ra nhiều người chỉ đơn giản nhận hàng mà không nhìn đến người giao. Do đó, bộ phim tập trung vào góc máy quay cận cảnh gương mặt nhân vật để kể câu chuyện riêng của họ. Ông không kỳ vọng Upstream thay đổi ngay lập tức vấn đề xã hội nhưng sẽ khiến nhiều khán giả nhận ra sự vất vả của người lao động.
"Những thay đổi đó có thể bắt đầu từ việc để lại đánh giá tốt cho người giao hàng. Chúng ta hãy cư xử tốt với mọi người để truyền tải yêu thương và sự ấm áp", Từ Tranh nói.
Quế Chi