Đọc bài viết "Ân hận vì 'xăm hình cho ngầu' sau khi mất việc" cùng nhiều bình luận thiếu thiện cảm với người xăm mình, tôi nghĩ rằng âu cũng do chúng ta còn quá khắt khe với những người Việt có hình xăm. Vấn đề là cái nhìn của chúng ta lại hoàn toàn khác với những người nước ngoài xăm mình.
Tôi đã làm việc với nhiều người nước ngoài giữ vị trí lãnh đạo trong công ty. Và tôi thấy không ít người trong số đố cũng xăm đầy mình. Vậy nhưng họ vẫn ngồi ở ghế lãnh đạo, mà có bị ai đánh giá đâu?
Có người nói "xăm mình bên Tây là nghệ thuật, cách hành xử của họ vẫn rất văn minh. Còn ở Việt Nam thì chỉ toàn thấy dân giang hồ, trộm cướp, 'âm binh' mới hay xăm mình nên bị ghét là đương nhiên". Tôi tự hỏi "vậy thế nào là nghệ thuật? Thế nào là "âm binh"?
Tây hay ta cũng đều có người xấu xăm mình và người xăm vì nghệ thuật, khác nhau là ở nhận định của mỗi người. Tôi chỉ thấy lạ là các bạn gặp 1.000 ông Tây xăm mình sẽ đều có cảm giác rất bình thường, nhưng chỉ cần thấy một người Việt xăm mình là sẽ có ác cảm ngay.
>> 'Bông hồng xăm trên ngực sau 20 năm thành hoa héo'
Tất cả những điều đó đều xuất phát từ sự định kiến trong suy nghĩ đã ăn sâu. Nên chăng, chúng ta hãy đánh giá con người từ nhân cách và thái độ của họ thay vì một vài hình xăm trên da.
Cá nhân tôi không xăm mình, nhưng tôi vẫn có cái nhìn bình đẳng với tất cả mọi người. Tôi cũng làm sếp, khi tuyển nhân viên, tôi chỉ nhìn vào năng lực và thái độ của họ để đánh giá có tuyển họ hay không? Chứ tôi không bao giờ chỉ nhìn vào cái hình xăm để đưa ra quyết định.
Và một điều nữa, rất nhiều người không xăm mình tự cho rằng mình là chuẩn mực, nhưng chắc gì họ đã có đạo đức cao hơn người xăm mình? Thế nên, chúng ta nên xóa bỏ định kiến ấy. Không phải cứ nhìn vào một hình xăm là đủ để đánh giá cả một con người.
- Mất hứng vì vợ xăm lông mày
- Phán xét nhân viên Gen Z nhuộm tóc, xăm mình
- 'Nhân viên xăm mình kiếm về doanh thu một tỷ đồng'
- 'Chịu được thị phi thì hãy xăm mình'
- Định kiến 'người xấu hay xăm mình'
- Xăm 'đổi đời' chân mày phong thủy giá 400.000 đồng