Tại SEA Games 27, thể thao Việt Nam chú trọng hơn với các môn thể thao Olympic và đạt được sự tăng tiến huy chương ở 2 môn quan trọng là điền kinh và bơi lội. Cụ thể điền kinh vươn lên đứng thứ hai khu vực sau Thái Lan và lần đầu vươn tới cột mốc 10 HC vàng. Bơi cũng tăng số HC vàng từ 2 ở SEA Games trước lên con số 5.
Ba HC vàng chỉ là thành tích chấp nhận được đối với Ánh Viên. |
Tuy vậy, ngay cả trưởng đoàn Lâm Quang Thành cũng thừa nhận là nếu thi đấu đúng sức thì Việt Nam có thể đạt được thành công lớn hơn nữa. Ở môn điền kinh, có đến 7 nhà vô địch ở SEA Games trước không bảo vệ thành công HC vàng ở SEA Games này. Bên cạnh đó, một số niềm hy vọng mới như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Văn Huệ, Bùi Thị Xuân… đều không thành công trong mục tiêu lần đầu giành HC vàng SEA Games.
Trong môn bơi, chính HLV trưởng Đặng Anh Tuấn cũng cho rằng Ánh Viên có thể giành thêm 2-3 HC vàng nữa nếu không bị tâm lý dẫn đến sai động tác kỹ thuật. Còn trưởng đoàn Lâm Quang Thành cho rằng lẽ ra Hoàng Quý Phước có thể giành thêm một HC vàng nữa. Trong bối cảnh đó, việc 2 bộ môn cơ bản này vẫn giới thiệu được những gương mặt bất ngờ giành HC vàng như Nguyễn Văn Lai, Phạm Thị Bình, Nguyễn Văn Hùng (điền kinh), Lâm Quang Nhật (bơi) là tín hiệu đáng mừng.
Thất bại của các môn bóng là điểm nhấn đáng chú ý ở SEA Games lần này. Đây là nhóm môn thu hút sự chú ý của đông đảo người hâm mộ nhưng Việt Nam chỉ giành được một HC vàng ở môn billiards & snooker. Môn này lại không có mặt tại Asian Games 2014 và Olympic 2016. Thất bại nặng nhất trong số này là bóng đá khi đội U23 bị loại ở vòng bảng, còn đội nữ không bảo vệ được ngôi vô địch. Hai đội futsal đều thất bại nặng nề trước Thái Lan ở chung kết. Các môn bóng chuyền, cầu mây, cầu lông… cũng không có sự tiến bộ đáng kể nào.
Tiến Minh chưa giành được HC vàng cầu lông như mong đợi. |
Tính trong các môn thể thao thi đấu ở Olympic, Việt Nam giành được 47 HC vàng, con số chỉ thua đoàn Thái Lan (71 HC vàng). Tuy nhiên, nếu tính tỷ lệ phần trăm HC vàng từ các môn Olympic thì Việt Nam (64,3%) chỉ đứng trên Indonesia (56,9%) và Myanmar (30,2%) trong nhóm đầu. Còn lại chúng ta thua hẳn Singapore (91%), Malaysia (79%), Philippines (68,9) và Thái Lan (66,3%). Điều này cho thấy sự đầu tư đối với các môn nằm ngoài Olympic của chúng ta vẫn còn khá lớn do chú trọng quá nhiều đến đấu trường SEA Games.
Trong số các môn thể thao Olympic diễn ra ở SEA Games 27, Việt Nam cũng chỉ đứng đầu 2 môn là bắn súng và vật. Còn lại ở nhiều môn quan trọng khác, chúng ta đang bị các đối thủ chính vượt qua với khoảng cách không nhỏ như taekwondo (Thái Lan), judo (Thái Lan), canoeing (Thái Lan), rowing (Indonesia)… Ở hai môn chính là điền kinh và bơi lội, khoảng cách giữa các quốc gia hàng đầu khu vực là Thái Lan và Singapore với Việt Nam vẫn khá lớn.
Trong khi hầu hết các quốc gia trong khu vực đều có những nội dung thế mạnh được đầu tư chuyên biệt để hướng tới những đấu trường lớn hơn, thì Việt Nam đến giờ vẫn chưa thể xác định được nội dung nào sẽ có HC vàng ở đấu trường Asian Games. Tại kỳ Asian Games 2010, Việt Nam chỉ giành một HC vàng ở môn karatedo, có thứ hạng kém rất xa các đoàn Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines và thậm chí đứng sau cả Myanmar.
Điều này sẽ khó được cải thiện ở Asian Games tới khi mà trong toàn bộ 73 tấm HC vàng ở SEA Games 27, chỉ riêng nội dung 200 m của Vũ Thị Hương là có chỉ số vượt thành tích HC vàng Asian Games 2010. Còn lại ở hầu hết các nội dung trọng điểm trong các môn có thể vươn ra khu vực như: taekwondo, karatedo, vật, điền kinh, bơi, bắn súng, rowing, wushu, cầu mây, boxing…, Việt Nam chỉ đứng trong nhóm tranh chấp huy chương châu lục và không chắc thắng ở nội dung nào.
Vũ Thị Hương (phải) vẫn là trụ cột của điền kinh Việt Nam. |
Hoàn thành chỉ tiêu giữ hạng top 3, nhưng thể thao Việt Nam đua không kịp với tốc độ lớn mạnh của đối thủ chính là Thái Lan. Đó là khoảng cách không dễ lấp đầy trong tương lai gần.
Nguyễn Tùng