Kết thúc SEA Games 27, thể thao Việt Nam đã bảo vệ vững chắc vị trí trong Top 3 toàn đoàn, nhưng ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng từ đó chưa tìm thấy một nhân tố nào đủ sức giành HC vàng ở Á vận hội ngay sang năm.
- Ông đánh giá như thế nào về hành trình SEA Games của đoàn thể thao Việt Nam?
- Có thể khẳng định, thể thao Việt Nam đã hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, cụ thể là việc giành 73 HC vàng để đứng thứ ba toàn đoàn, dù gặp phải rất nhiều bất lợi. Nếu xét riêng ở SEA Games, chúng ta đã có một bước tiến lớn ở sự chuẩn bị theo hướng bài bản, chuyên nghiệp, với một điểm mới đáng chú ý chính là sự kết hợp giữa ngành thể thao với các địa phương trong đào tạo tập huấn VĐV, tiêu biểu như ở môn bơi, cử tạ, điền kinh.
- Xin ông phân tích kỹ hơn những điểm nhấn đáng chú ý, những môn nào đã thành công và chưa đạt yêu cầu?
- Môn bơi với 5 HC vàng cùng sự tỏa sáng của tài năng trẻ Ánh Viên đã thực sự tạo ra một mốc mới cho cả thể thao Việt Nam. Cần phải lưu ý rằng, mỗi bước tiến của hai môn cơ bản nhất là điền kinh, bơi luôn tạo ra cú hích cho sự phát triển theo cách thức khác nhau. Dù điền kinh còn có thể làm tốt hơn song việc lần đầu số HC vàng đạt tới 2 con số cũng đã là một thành công lớn. Chưa bao giờ môn này lại có một lực lượng hùng hậu, có chiều sâu, đủ sức tranh chấp huy chương ở hầu hết nội dung như lần này. Bắn súng chứng tỏ truyền thống của mình với việc đoạt 7 trên 12 HC vàng, và nếu xét riêng về thành tích, môn này đứng đầu bảng.
Nhóm môn võ vật với tổng số 11 môn ở các mức độ khác nhau cũng đã gánh vác tốt sứ mệnh trụ cột hàng đầu khi đóng góp quá nửa số HC vàng. Trong đó, với 10 HC vàng, vật Việt Nam không chỉ khẳng định sức mạnh vượt trội mà còn cho thấy việc giải quyết các vấn đề cụ thể cực tốt.
Như tôi từng đề cập, đây là một kỳ Đại hội thất bát của các môn bóng, nặng nhất vẫn là bóng đá nam. Hầu hết môn này vốn có xuất phát điểm nhưng đã tiếp tục bị tụt lại so ngay với mặt bằng chung khu vực. Nhóm hai môn đua thuyền gồm rowing và canoeing chỉ giành nổi một HC vàng cũng phải coi là một thất bại, và rõ ràng không thể lúc nào cũng trông chờ cả vào tinh thần, nỗ lực vượt khó của VĐV được.
- Về mặt tổng thế, qua kết quả kỳ SEA Games này, ông thấy thể thao Việt Nam đang ở đâu?
- Trong 6 kỳ SEA Games trở lại đây, ngoại trừ Thái Lan mạnh nhất, chỉ có Việt Nam duy trì ổn định một vị trí ở Top 3, bất chấp hoàn cảnh nào. Xét riêng ở SEA Games, Việt Nam hiện giờ thực sự chỉ kém mỗi người Thái. Nhưng tôi nhắc lại, đó là ở SEA Games thôi, còn nếu lấy chuẩn Olympic hay ASIAD lại hoàn toàn khác, chúng ta kém hẳn không chỉ Thái Lan mà cả Malaysia, Singapore, Indonesia. Điều này cũng dễ hiểu, bởi cách làm của ngành thể thao đang dồn nguồn lực, theo cách thức phục vụ cả cho mục tiêu SEA Games, chứ không phải Việt Nam không thể vươn lên tầm châu Á hay tiếp cận Olympic.
Nếu nhìn xa hơn một chút, chúng ta đã phải lo ngay cho Á vận hội vào sang năm.
- Tại sao thưa ông?
- Vì thành tích của SEA Games gần như không có tính liên thông với các đấu trường tầm cao hơn. Thực tế hiện tại, Việt Nam có một số tuyển thủ xuất sắc ở một số nội dung của các môn taekwondo, cử tạ, karatedo, bắn súng, vật nữ, boxing nữ tiếp cận với nhóm hàng đầu châu lục. Tuy nhiên để giành được một số HC vàng ASIAD 2014, quả thật tôi chưa thấy ứng cử viên thực sự sáng giá nào cả. Việc chúng ta cứ thắng tưng bừng ở SEA Games rồi khó khăn, thậm chí thất bại ở ASIAD và Olympic như thời gian vừa qua rõ ràng phải coi là một nghịch lý.
- Theo ông, gốc rễ của nghịch lý đó là gì?
- Rất đơn giản, vì chúng ta đang phụ thuộc đến mức phần nào đó lệ thuộc vào SEA Games, trong khi sân chơi khu vực này lại thay đổi đến quá nửa sau mỗi kỳ Đại hội. Vì để đảm bảo một vị trí trong Top 3 nên thể thao đã phải luôn gồng mình lên, trải mình ra theo chiều rộng theo số môn, số nội dung để đảm bảo thành tích. Chẳng nói đâu xa, ngay SEA Games tới tại Singapore, không có tới 9 môn thế mạnh của Việt Nam trong khi lại xuất hiện hàng loạt môn mới. Để giữ hạng ba, ngành thể thao lại phải điều chỉnh theo, mà kéo theo đó là kinh phí đầu tư, nhân lực, điều kiện khác.
Cứ chạy theo SEA Games chúng ta đã rơi vào “bẫy” của bệnh thành tích trước mắt, đầu tư dàn trải cào bằng, thời vụ, phần nào đó lãng phí, không tài nào tập trung đầu tư trọng điểm được cho các môn Olympic, ASIAD. Thực tế, sau những thất bại tại Olympic hay ASIAD, ngành thể thao đã luôn nỗ lực thay đổi song không được bao nhiêu vì trở lực quá lớn mang tên SEA Games với nỗi ám ảnh về vị trí top 3.
- Nhưng chúng ta phải làm gì khi đó cũng là tình trạng chung của cả thể thao khu vực?
- Vấn đề trước hết và quyết định cũng chính là ở thể thao Việt Nam thôi. Chúng ta có quyền có cách tiếp cận và sự lựa chọn riêng với SEA Games mà. Theo tôi, đã đến lúc không thể muộn hơn, ngành thể thao cần phải nhìn nhận lại nghiêm túc và thấu đáo để trả lời cho được câu hỏi: Có nhất thiết phải duy trì một vị trí trong Top 3 tại một sân chơi tầm mức khu vực luôn thay đổi không theo tiêu chí nào ấy?
Câu trả lời của tôi là không. Chúng ta vẫn tham dự tích cực vào SEA Games song không chạy theo thành tích, thứ hạng thuần túy mà theo cách riêng của mình, ưu tiên tối đa cho các môn Olympic, ASIAD gắn với mục tiêu chính là bồi dưỡng, đào tạo VĐV trẻ.
Đó là lối ra cho phát triển của chính thể thao Việt Nam cũng là sự đóng góp tích cực cho SEA Games trong điều kiện sân chơi này chắc chắn chưa thể chuẩn hóa theo quốc tế trong nhiều năm tới.
Phúc Vinh ghi