Tại cuộc họp báo chiều 28/4, bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đưa ra thông tin trên.
Thống kê cho thấy, năm 2021, tổng số lao động rút BHXH một lần tăng 13% so với năm trước đó bởi ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm. 4 tháng đầu năm nay, 302.000 lao động đã rút BHXH một lần, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Tỷ lệ này ở nữ giới trên 55%, cao hơn nam giới. "Cần có những chính sách hạn chế rút BHXH một lần, song phải tăng quyền lợi lâu dài mà không tác động lớn đến tâm lý người lao động", bà Hiền kiến nghị.
Lãnh đạo ngành bảo hiểm cho biết, sắp tới khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan này đề xuất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về nội dung trên. Người lao động khi chọn rút BHXH một lần cần cân nhắc kỹ, bởi luật sửa đổi theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 xuống 15, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, tạo điều kiện cho người lao động sớm hưởng lương hưu.
Lao động rút BHXH một lần sẽ mất đi nhiều quyền lợi, khi toàn bộ thời gian tham gia BHXH trước đó không được bảo lưu; không được hưởng chế độ ốm đau, hưu trí; khám chữa bệnh bằng BHYT miễn phí; quyền lợi cho thân nhân, như chế độ tử tuất và những quyền lợi đi kèm. Theo bà Hiền, gia đình có người cao tuổi sẽ rất thấu hiểu tầm quan trọng của lương hưu. Điều này minh chứng rõ qua hai năm Covid-19, khi người dân mất thu nhập, ốm đau, bệnh tật.
Ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phân tích chính sách được thiết kế đóng - hưởng, nên người lao động càng rút sớm thì quyền lợi càng mất đi nhiều. Nhiều người trẻ khó khăn về tài chính, có suy nghĩ rút một lần rồi sau này lại tham gia tiếp. Nhiều lao động hưởng BHXH một lần sau này muốn đóng nối tiếp, nhưng theo quy định sẽ không được cộng dồn mà tính đóng BHXH lại từ đầu.
"Khi người lao động còn trẻ, còn sức khỏe có thể nghĩ đơn giản, nhưng hết tuổi lao động, ốm đau, bệnh tật mới thấy khó khăn chừng nào", ông nói và cho rằng sửa đổi chính sách là cần thiết, song mục tiêu là giữ chân lao động ở lại hệ thống an sinh lâu dài.
Khi tham vấn cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam về sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, chuyên gia an sinh cũng đề xuất nên hạn chế cho rút BHXH một lần. Bởi Việt Nam là quốc gia châu Á đang già hóa dân số nhanh nhất, hơn cả Nhật Bản và Trung Quốc, trong khi độ bao phủ an sinh thấp, mới 1/3 lực lượng lao động trong độ tuổi.
Cả nước có hơn 4,94 triệu người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, 2,6 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Còn hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng một tầng an sinh nào khác - một phần hệ quả của việc lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thấp.
Hồng Chiêu