Sáng 18/11, phát biểu kết luận Cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, yêu cầu "phải tạo cho được một tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới" trong đấu tranh với các sai phạm.
Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xác minh, xử lý sai phạm liên quan vụ án, vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... hay vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại Bình Dương, Khánh Hòa, TP HCM.
Trước đó, ngày 10/11, tại Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế diễn ra phức tạp, nhất là những vụ việc xảy ra tại các bệnh viện lớn. Điển hình là vụ án tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế các tỉnh Hà Tĩnh, Cần Thơ, Sơn La.
Có dư luận cho rằng các vi phạm do cơ chế, do hệ thống nhưng Bộ trưởng khẳng định "không phải do các lỗi này, mà đều có việc lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật. Đây là yếu tố tư lợi, biểu hiện tham ô, tham nhũng".
Trong cuộc họp sáng nay, Ban chỉ đạo yêu cầu ba vụ án trong điểm cần được khẩn trương xét xử gồm: Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ở Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn...
Hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên liên quan đến ba vụ việc sau sẽ được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: vụ án buôn lậu, vụ án vận chuyển trái phép tiền tệ, hàng hóa qua biên giới và đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang; tiêu cực trong vụ án thi tuyển công chức tại tỉnh Phú Yên; tiêu cực trong việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù với Phan Sào Nam.
Theo báo cáo, từ sau Phiên họp 19 (hồi tháng 1) của Ban Chỉ đạo đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật và kiến nghị, yêu cầu xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý liên quan các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Trong đó, có 3 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 thứ trưởng, một nguyên Chủ tịch tỉnh, một nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, 13 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Thực hiện kết luận của Tổng Bí thư về cơ chế chỉ đạo phối hợp xử lý sai phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra..., các cơ quan đã chuyển hơn 270 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra (gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ các năm trước, khi chưa có cơ chế chỉ đạo phân công)...