Trả lời:
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vaccine HPV không chống chỉ định với phụ nữ sau sinh và đang cho con bú. Bạn có thể tiêm ngừa ngay sau khi sinh con, với điều kiện sức khỏe ổn định.
Hiện, các bằng chứng khoa học cho thấy vaccine không ảnh hưởng chất lượng sữa mẹ, không tác động xấu đến sự phát triển của trẻ sơ sinh và sự an toàn của mẹ. Do đó, bạn có thể yên tâm chủng ngừa.
HPV lây truyền qua đường tình dục, từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở, thông qua vật dụng chứa chất tiết của người bệnh như dụng cụ y khoa, khăn tắm, đồ lót. Mẹ nhiễm virus có thể lây sang con khi sinh hoặc không đảm bảo vệ sinh trong quá trình chăm sóc.
Ở trẻ em, cơ thể có thể tự đào thải HPV nếu bị lây nhiễm. Tuy nhiên, virus cũng có thể tồn tại dai dẳng ở trẻ, gây các bệnh như sùi mào gà, ung thư. Trong đó, sùi mào gà khi không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể tái phát nhiều lần, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và quan hệ tình dục sau này.
Vaccine HPV có hiệu quả bảo vệ trên 90% các chủng virus có trong mũi tiêm, vẫn có giá trị bảo vệ ở người đã quan hệ tình dục, sinh con và từng nhiễm bệnh. Tốt nhất, phụ nữ nên chủng ngừa trước khi mang thai, để có miễn dịch phòng bệnh cho em bé và bà mẹ lâu dài.
Để phòng ngừa hiệu quả hơn, cần kết hợp thêm các biện pháp như quan hệ tình dục an toàn, giữ vệ sinh cá nhân, rèn luyện thể thao, ăn uống đủ dưỡng chất nhằm nâng cao sức khỏe. Với nữ giới cần thăm khám phụ khoa, tầm soát định kỳ nhằm phát hiện sớm các bất thường và kịp thời điều trị.
Trường hợp mẹ nhiễm HPV, cần giữ vệ sinh, không để bé tiếp xúc với các vật dụng cá nhân có chứa chất tiết của mẹ.
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC