Theo WHO, viêm gan siêu vi là gánh nặng toàn cầu khi số ca tử vong ngày càng tăng, khoảng 3.500 người mỗi ngày. Đây là bệnh truyền nhiễm gây tử vong lớn thứ hai thế giới, sau lao phổi, gần 1,3 triệu ca mỗi năm.
Bác sĩ Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết viêm gan B là bệnh do virus gây ra, khiến tế bào gan viêm và hoại tử, có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Theo bác sĩ, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao trên giới, 10-20%. Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa hiểu đúng về sự nguy hiểm của bệnh lẫn vaccine viêm gan, từ đó bỏ lỡ cơ hội dự phòng bệnh chủ động. Dưới đây là những lầm tưởng phổ biến về viêm gan B và vaccine.
Viêm gan B là bệnh di truyền trong gia đình
Theo bác sĩ An Khương, viêm gan B không phải là bệnh di truyền mà thuộc nhóm truyền nhiễm. Tuy nhiên, vài thế hệ trong một gia đình có thể nhiễm bệnh, do khả năng lây truyền từ mẹ sang con hoặc người thân sống chung tình cờ tiếp xúc với máu của người nhiễm viêm gan B.
"Nếu mẹ bị viêm gan B, trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% đến 90%", bác sĩ nói.
Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm gan B là tiêm chủng, vaccine có hiệu quả đến 98%. Nếu mẹ không bị bệnh, trẻ cần tiêm một mũi vaccine trong 24 giờ sau sinh. Trường hợp mẹ nhiễm, trẻ cần tiêm vaccine viêm gan B và kháng thể (huyết thanh) trong 24 giờ đầu sau sinh, nhằm trung hòa kháng nguyên lây truyền từ mẹ qua. Sau đó, ở các mốc 2, 3, 4 tháng và 16-18 tháng, trẻ cần tiêm thêm vaccine phối hợp có thành phần viêm gan B hoặc các liều vaccine đơn.
Không uống rượu, bia sẽ không mắc bệnh về gan
Bộ Y tế từng chỉ ra Việt Nam xếp thứ hai Đông Nam Á, thứ 10 châu Á về tiêu thụ rượu bia và mắc các bệnh lý gan liên quan thói quen này. Do đó, không ít người nghĩ uống ít hoặc nói không với rượu bia sẽ không mắc các vấn đề về gan. Tuy nhiên, quan niệm này chưa đúng.
Ngoài bia rượu, có nhiều tác nhân gây viêm gan, suy giảm chức năng gan như nhiễm virus, môi trường sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt, tuổi tác... Người không dùng bia rượu vẫn có thể bị suy giảm chức năng gan hoặc mắc bệnh lý gan.
Viêm gan B chỉ lây qua quan hệ tình dục
Viêm gan B được tìm thấy trong dịch tiết âm đạo, nước bọt và tinh dịch. Chúng có thể truyền qua đường tình dục và lây lan nhanh hơn HIV 50-100 lần.
Viêm gan B còn lây phổ biến qua đường máu và từ mẹ sang con. Cụ thể, người khỏe mạnh dễ nhiễm khi truyền máu và các chế phẩm từ máu người bệnh; dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy, công cụ phẫu thuật dính máu người bệnh...
Ngoài ra, một số trường hợp dễ nhiễm virus viêm gan B như dùng chung dụng cụ có khả năng vấy máu từ người bệnh (dao cạo râu, bàn chải đánh răng - nếu bị chảy máu miệng, chân răng). Loại này cũng lây qua vết trầy xước, dụng cụ xăm, xỏ lỗ tai không được khử trùng đảm bảo.
Hôn môi, ăn uống chung lây viêm gan B
Khác với viêm gan A, E lây qua đường ăn uống, viêm gan B có ba đường lây chính: đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.
Virus này cũng có mặt trong nước bọt nhưng với nồng độ rất thấp. Các hành vi ăn uống, tiếp xúc thông thường như bắt tay, ho, hắt hơi, hôn má (hoặc hôn môi khô), dùng chung ly, tách, chén, đĩa không lây bệnh.
Tuy nhiên, người gặp vấn đề răng miệng như xước, loét, viêm lợi hoặc chảy máu chân răng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn khi tiếp xúc nước bọt với bệnh nhân mắc viêm gan B cấp tính, tải lượng virus cao.
Vaccine không phòng bệnh hiệu quả
WHO chỉ ra người dân có thể ngăn ngừa viêm gan B bằng cách tiêm vaccine đủ liều, đúng lịch, hiệu quả bảo vệ lên đến 98% và có thể kéo dài suốt đời.
Nếu nghi ngờ hoặc đã tiếp xúc với viêm gan B qua đường tình dục, bạn nên tìm đến bác sĩ hoặc các cơ sở y tế để được tư vấn. Người phơi nhiễm với virus viêm gan B có thể giảm nguy cơ phát triển nhiễm trùng nếu tiêm phòng trong 12-24 giờ.
Hiện Việt Nam có các loại vaccine có thành phần viêm gan B gồm: 6 trong 1 Hexaxim (Pháp)/Infanrix Hexa (Bỉ) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib và viêm gan B; viêm gan B đơn gồm Heberbiovac HB (Cu Ba) và Gene Hbvax (Việt Nam); viêm gan A, B phối hợp Twinrix (Bỉ).
Chỉ trẻ sơ sinh, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần tiêm vaccine
Theo bác sĩ An Khương, mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm virus gây viêm gan, do đó không chỉ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ chuẩn bị mang thai mà thanh thiếu niên, người trưởng thành, người có bệnh lý nền đều cần tiêm ngừa vaccine.
Cụ thể, trẻ cần tiêm vaccine viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh và tiếp tục tiêm ở các mốc 2, 3, 4 tháng tuổi và 16 -18 tháng tuổi. Thanh thiếu niên, người lớn cần tiêm phác đồ 2-3 mũi, tùy độ tuổi bắt đầu.
Người trưởng thành không rõ lịch sử tiêm chủng, cần xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể trước khi tiêm. Nếu chỉ số xét nghiệm cho thấy chưa từng nhiễm viêm gan B (HBsAg âm tính) và chưa có kháng thể phòng bệnh (Anti HBs), mọi người cần tiêm ba mũi trong 6 tháng.
"Trường hợp nhiễm virus (HBsAg dương tính) không cần tiêm vaccine, phải theo dõi điều trị bệnh với bác sĩ chuyên khoa", bác sĩ An Khương nói thêm.
Mộc Thảo