Theo WHO, viêm gan siêu vi là bệnh truyền nhiễm gây tử vong lớn thứ hai thế giới, với 1,3 triệu ca mỗi năm, chỉ sau lao phổi. Năm 2022, trong tổng người mắc viêm gan siêu vi, viêm gan B chiếm 83%. Đây cũng là tác nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Việt Nam nằm trong vùng lưu hành cao của virus viêm gan B, khoảng 8-10% dân số nhiễm bệnh. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm ở nam giới cao hơn và có nhiều thói quen dễ tiến triển xơ gan hơn phái nữ. BSCKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC giải đáp sáu câu hỏi thường gặp và cách phòng viêm gan B.
Nam giới mắc viêm gan B có được quan hệ?
Viêm gan B lây truyền qua ba đường chính: máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Trong đó, ngoài lối âm đạo, quan hệ qua đường miệng, hậu môn vẫn có khả năng lây nhiễm.
Bất kỳ hành vi quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm viêm gan B đều có thể lây bệnh. Tuy nhiên, người nhiễm trong giai đoạn cấp tính có lượng virus tăng cao nên khả năng lây bệnh cho bạn tình cao hơn. Vì vậy, người mắc viêm gan B cấp tính nên nghỉ ngơi, kiêng quan hệ tình dục, tuân theo chỉ định của bác sĩ, tránh chuyển sang mạn tính. 95% người khỏe mạnh có thể tự đào thải virus này sau thời gian mắc đợt cấp tính.
Với bệnh nhân viêm gan B mạn tính, cần tuân thủ điều trị để kiểm soát, hạn chế tải lượng virus trong máu, giảm khả năng lây nhiễm cho người khác. Người bệnh cần áp dụng biện pháp an toàn như dùng bao cao su, khuyên người yêu, bạn đời tiêm vaccine phòng bệnh.
Nam giới mắc viêm gan B nên có con không?
Trường hợp này vẫn có thể có con, tuy nhiên lưu ý khả năng lây truyền cho vợ, vợ lây sang con lúc sinh. Trước khi có em bé, vợ chồng nên khám sức khỏe tổng quát lẫn chuyên khoa truyền nhiễm, xác định tình trạng nhiễm viêm gan B để bác sĩ tư vấn thời điểm thích hợp mang thai.
Nếu vợ chưa bị lây nhiễm, tình trạng viêm gan B của chồng ổn định vẫn có thể tiến hành thụ thai, bên cạnh biện pháp phòng ngừa cho vợ (tiêm chủng, dùng riêng vật dụng cá nhân). Trước khi mang thai, nữ giới nên tiêm ngừa vaccine viêm gan B đúng lịch, đủ mũi để bảo vệ mẹ và bé. Suốt thai kỳ, cần khám thai đầy đủ để phát hiện sớm bất thường.
Trường hợp vợ bị lây nhiễm trước hoặc trong quá trình mang thai, cần bác sĩ chuyên khoa theo dõi sát, xác định tình trạng nhiễm để có hướng điều trị phù hợp. Nếu nồng độ virus ở mức ổn định, tiếp tục theo dõi thai kỳ. Ngược lại, thai phụ có thể cần dùng thêm thuốc kháng virus theo chỉ định, ngừa lây nhiễm sang trẻ.
Dù mẹ nhiễm bệnh hay không, trẻ vẫn cần tiêm vaccine viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh và các vaccine có thành phần viêm gan B trong hai năm đầu đời. Riêng trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm bệnh cần phòng ngừa tương tự và tiêm thêm huyết thanh kháng virus viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh
Vì sao nam giới cần tiêm vaccine viêm gan B?
Cả nam lẫn nữ cần tiêm ngừa viêm gan B, trong đó phái mạnh tiêm để ngăn mắc bệnh, phát triển bệnh lý nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan và lây truyền cho người khác.
Các nghiên cứu cho thấy nữ giới có phản ứng miễn dịch (chống lại) bệnh truyền nhiễm mạnh hơn nam giới. Đồng thời, phái nam thường có ca mắc HIV, viêm gan B, sốt rét cao hơn nữ. Tiêm ngừa là cách giúp cơ thể sinh miễn dịch đặc hiệu với bệnh trước khi mắc. Nghĩa là khi virus viêm gan B xâm nhập cơ thể, hệ miễn dịch có khả năng chống lại bệnh.
Theo nghiên cứu được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, virus viêm gan B có thể ảnh hưởng các phản ứng hormone giới tính. Người mắc viêm gan mạn tính, hormone tuyến thượng thận bài tiết thất thường, đi kèm hormone nam testosterone có xu hướng giảm rõ rệt, dễ gây suy giảm ham muốn tình dục ở nam.
Ngoài ra, phái mạnh thường có một số thói quen xấu như uống rượu bia, hút thuốc lá, tăng khả năng tổn thương gan.
Vaccine viêm gan B có tiêm được cho người mắc bệnh?
Hiện vaccine ngừa viêm gan B không chỉ định cho người đang mắc bệnh này. Người lớn trước khi tiêm cần xét nghiệm máu xem cơ thể có kháng thể hay chưa, có nhiễm bệnh không.
Hai xét nghiệm tối thiểu trước khi tiêm ngừa là HbsAg, AntiHBs. Nếu xét nghiệm máu chưa nhiễm virus (HBsAg âm tính) và chưa có kháng thể viêm gan B (AntiHBs âm tính), kháng thể thấp dưới mức bảo vệ sẽ được chỉ định tiêm ngừa.
Phòng viêm gan B cho gia đình thế nào nếu chồng mắc bệnh?
Có thể căn cứ vào các đường lây của viêm gan B để phòng ngừa cho gia đình có người nhiễm bệnh.
Nếu lây quan hệ tình dục, vợ chồng cần chú ý sinh hoạt an toàn, chung thủy một vợ một chồng, giữ vệ sinh cá nhân. Với đường lây qua máu, các thành viên cần dùng riêng vật dụng có khả năng dính máu như đồ cắt móng, dũa móng tay, dao cạo...
Cả nhà cũng cần tiêm ngừa vaccine viêm gan B để có kháng thể đặc hiệu với bệnh. Trong đó, người vợ cần chủ động tiêm để phòng bệnh cho mình, tránh lây sang con khi mang thai.
Ngoài ra, viêm gan B không lây qua đường ăn uống hay hô hấp, nam giới mắc bệnh vẫn có thể phụ vợ chăm con nhỏ, ăn uống chung với gia đình.
Viêm gan B có chữa khỏi không?
Sau khi xâm nhập cơ thể, virus viêm gan B (HBV) sẽ mất 3-6 tháng ủ bệnh thành viêm gan B cấp tính. Có đến 95% người khỏe mạnh có thể tự đào thải virus HBV khỏi cơ thể mà phần lớn không cần dùng thuốc thời gian này. Bạn chỉ cần tuân thủ lời dặn bác sĩ, nghỉ ngơi hợp lý, không tự ý dùng các loại lá, thuốc không rõ nguồn gốc khiến tình trạng nặng hơn.
5% trường hợp còn lại, cơ thể không thể tự đào thải virus sẽ chuyển sang viêm gan B mạn tính, quá trình điều trị phức tạp, kéo dài, tốn chi phí. Do đó, tiêm ngừa là cách chủ động cung cấp miễn dịch đặc hiệu, tránh gánh nặng bệnh tật.
Vạn Phát