Chiều 20/12, trong khi chờ con trước cổng trường, ông Hoàng Văn Long, phụ huynh lớp 9, THCS Phú Mỹ (quận Bình Thạnh) hay tin Thành phố đã phát hiện 34 ca nhiễm ở các cơ sở giáo dục (gồm 27 học sinh, 4 giáo viên và 3 nhân viên). Nhẩm tính, so con số này với trên dưới 1.000 ca cộng đồng ở TP HCM mỗi ngày, ông đánh giá "con số này chấp nhận được".
"Bây giờ mình đã sống trong bối cảnh bình thường mới rồi, không thể đòi hỏi sự an toàn tuyệt đối. Quan trọng là các trường xử lý đúng quy trình, phát hiện sớm để không lây lan dịch bệnh. Đồng thời, học sinh cũng đã tiêm đủ vaccine, các cháu nếu có nhiễm bệnh cũng nhẹ, mau khỏi", ông phân tích.
Ông kể, trước khi quyết định cho con gái trở lại trường, gia đình đã nghiên cứu kỹ các biện pháp chống dịch, kịch bản xử lý F0 do nhà chức trách công bố. Cảm thấy tin tưởng các biện pháp này, cùng với việc con gái và bạn bè được tiêm đủ vaccine, cả nhà thống nhất cho đi học.
Ông Long cho biết, từ ngày trở lại trường, tinh thần của con gái phấn chấn hơn, hay cười, thường kể chuyện ở lớp cho cả nhà; trái ngược với sự ủ rũ, mỏi mệt, ít lời trước đó, trong bảy tháng bị "nhốt" tại nhà.
"Lợi ích về tinh thần là điều tôi thấy nhất rõ nhất ở các cháu khi đi học lại. Chưa kể, đến trường cũng giúp củng cố kiến thức, nhất là với học sinh cuối cấp", ông nói.
Ông Long dự định vẫn cho con đi học tiếp sau hai tuần thí điểm. Tuy nhiên, người cha đề nghị ngành giáo dục rút ra kinh nghiệm từ hai tuần học thử, tăng cường biện pháp chống dịch để đảm bảo an toàn cao nhất cho giáo viên và học sinh.
Tại TP Thủ Đức, bà Vũ Thị Kim Huế, phụ huynh trường THPT Nguyễn Hữu Huân cũng bình tĩnh trước thông tin về 34 F0. Bà đưa ra hai lý do giải thích cho sự điềm tĩnh của mình.
Thứ nhất, các phương án tổ chức dạy học của ngành giáo dục khá chi tiết, cụ thể. Trong tình huống phát hiện F0, quy trình xử lý được vạch ra khá khoa học, gọn gàng, ít gây xáo trộn. Trường THPT Nguyễn Hữu Huân được bà Huế đánh giá cao ở sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng trước khi mở cửa. Hơn một tuần nay, việc học ở trường, theo quan sát của bà, diễn ra ổn định.
Thứ hai, ý thức và khả năng phòng, chống dịch bệnh của học sinh THPT hiện khá tốt. Phần lớn các em nhạy bén, có khả năng tự tìm kiếm thông tin hữu ích để bảo vệ mình. Học sinh đang ở độ tuổi có sức khoẻ tốt, sức đề kháng cao, lại được tiêm đủ vaccine nên khả năng trở nặng khi nhiễm bệnh là rất thấp.
"Dĩ nhiên là phụ huynh thì đọc được thông tin ca nhiễm, ai cũng lo lắng. Nhưng bình tĩnh suy xét lại thì thấy việc cần làm là nhắc nhở các con tuân thủ chặt chẽ biện pháp phòng bệnh, giữ khoảng cách an toàn", bà Huế nói.
Chị Nguyễn Hạnh, phụ huynh ở quận 3 cũng cho rằng, cha mẹ lo lắng khi nghe tin phát hiện F0 trong trường là điều dễ hiểu, nhưng "không đến mức hoảng sợ, hoang mang".
Chị chia sẻ: "Tôi biết có trường học phát hiện F0, học sinh được test nhanh rồi khoanh vùng. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, nhẹ nhàng, không làm học sinh khác hoảng sợ. Theo tôi, vẫn nên tiếp tục cho các cháu đi học và tăng cường biện pháp chống dịch".
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến sáng nay, tỷ lệ học sinh khối 9 và 12 đi học trực tiếp là 96%. Trừ 30 trường THCS, THPT ở huyện Củ Chi đang xin tạm hoãn, tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức đều tổ chức dạy trực tiếp.
Tại trường THPT Trưng Vương (quận 1) hôm nay, hơn 600 học sinh (gần 100%) khối 12 bước vào ngày học thứ tám khá nghiêm túc. 14 lớp được nhà trường tách đôi, học sinh mỗi lớp được bố trí tại hai phòng sát nhau.
Tuần trước, trường phát hiện một ca F0 và hai ca F1 là học sinh và đã xử lý theo quy trình được hướng dẫn. Hiện sức khoẻ các em ổn định. "Trường lấy ý kiến sau một tuần học trực tiếp, hầu hết phụ huynh đều ủng hộ và mong muốn tiếp tục cho đi học, miễn là đảm bảo an toàn như hiện nay", Hiệu trưởng Trương Thị Bích Thuỷ nói.
Tại quận Tân Phú, TS Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Giáo dục phổ thông, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết, việc học của các lớp 12 hiện rất tốt, chưa phát sinh sự cố nào đáng kể. 556 học sinh đã được tiêm đủ vaccine, được phổ biến kỹ các biện pháp đảm bảo an toàn chống dịch.
Theo ông Khả, trong bối cảnh mới, các trường cần sự ủng hộ và hợp tác từ phụ huynh trong việc phát hiện dấu hiệu bất thường về sức khoẻ của các em.
"Phụ huynh cũng yên tâm rằng, nếu có sự cố xảy ra, nhà trường sẽ xử lý tốt để ngăn lây lan dịch bệnh. Chúng tôi vẫn tổ chức dạy trực tuyến, tạo điều kiện học tập cho những em không thể đến trường", ông Khả cho biết.
Ngoài khối 9 và 12 được học trực tiếp, một số trường THCS tại TP HCM đã khảo sát phụ huynh về việc cho lớp 6-8 trở lại trường sau 27/12. Theo đó, tỷ lệ đồng thuận ở khối 6 khá thấp, dưới 50%, trong khi khối 7-8 nhỉnh hơn, 50-60%.
Tại trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), tỷ lệ phụ huynh lớp 6 đồng thuận là 55%, lớp 7 hơn 63%, lớp 8 hơn 70%. Theo Hiệu trưởng Hứa Thị Diễm Trâm, phụ huynh lớp 6 chưa sẵn sàng cho con đi học bởi các em chưa được tiêm vaccine.
"Con số này chúng tôi khảo sát trước 13/12. Tôi nghĩ, sau hai tuần thí điểm, tỷ lệ đồng thuận sẽ cao hơn", bà Trâm nhận định.